Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 28/11/2009 15:54'(GMT+7)

Những vướng mắc trong thực hiện Nghị định 115 ở ngành công thương

Viện Công nghệ, Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp (Bộ Công thương), một trong những đơn vị KH và CN đầu tiên được phê duyệt chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115. Cử nhân Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của viện trao đổi với chúng tôi: Khoảng 20 năm trước, trong hoàn cảnh đời sống khó khăn (không ít cán bộ có trình độ xin chuyển đi nơi khác), với cơ sở vật chất và trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, ngành chủ quản chỉ cho "50 suất lương", chúng tôi không có cách nào khác là phải tự bươn chải lo công ăn, việc làm cho cán bộ nhân viên để tồn tại. Ðã có lúc tưởng "hụt hơi", nhưng nhờ kiên trì chèo lái của các thế hệ lãnh đạo viện, lại gặp cơ chế mới cho nên đơn vị chúng tôi chẳng những trụ vững mà còn phát triển đi lên. Từ năm 2007 đến nay chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chúng tôi không thấy có gì lúng túng. Số lượng đề tài, dự án không ngừng tăng lên, doanh thu từ sản xuất, kinh doanh như năm 2008 đạt hơn 37 tỷ đồng, còn năm nay, tuy chịu sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song doanh thu có thể đạt hơn 42 tỷ đồng, đời sống cán bộ công chức theo đó không ngừng được cải thiện. Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng cho biết thêm: Vẫn chưa hết khó khăn về nguồn vốn lưu động, trang thiết bị thiếu đồng bộ, số cán bộ có trình độ sau đại học còn thấp nhưng viện khơi dậy tính chủ động, sáng tạo trong tìm kiếm việc làm, chẳng hạn năm 2009 này, không kể các hợp đồng với một số địa phương, đơn vị triển khai 10 đề tài, trong đó có ba đề tài cấp Nhà nước với nguồn kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Phấn đấu sang năm 2010 đưa Công ty cơ khí Mê Linh và Công ty Ðúc vào hoạt động; mở rộng đối tượng "khách hàng" là nước ngoài trên cơ sở sản phẩm chủ lực tấm lợp không a-mi-ăng, đồng thời chuyển giao một số công nghệ, vật liệu mới phục vụ các ngành công nghiệp đang có nhu cầu. Ở Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, một đơn vị có hơn năm mươi năm xây dựng và phát triển, cũng từng trải qua hàng chục năm khó khăn, tự tìm kiếm việc làm nên khi chuyển đổi cũng thấy đây là hướng đi đúng. Theo PGS, TS Mai Ngọc Chúc, Viện trưởng: Gần ba năm chuyển sang cơ chế mới theo Nghị định 115, số lượng đề tài, chương trình nghiên cứu của viện không ngừng tăng lên. Năm 2007 mới đạt 12 tỷ đồng, đến năm 2009, tổng kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề tài khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất của đơn vị đạt gần gấp hai lần. Trong đó, phải kể đến vai trò của phòng thí nghiệm trọng điểm (đầu tư 67 tỷ đồng) với các máy móc thiết bị hiện đại đã giúp các cán bộ ở đây thực hiện một số đề tài cấp Nhà nước, như đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất so-bi-tol có độ sạch cao từ tinh bột sắn phục vụ cho ngành dược, hóa mỹ phẩm và thực phẩm"; "Quy trình công nghệ tuyển và sản xuất thuốc tuyển quặng A-pa-tít loại 2 ở Lào Cai" (đạt giải nhất Giải thưởng VIFOTEC); Chương trình hợp tác với Hàn Quốc trong việc sản xuất Bi-o-đi-e-den từ mỡ cá Việt Nam nhằm tạo ra nhiên liệu thân thiện môi trường... Cũng nhờ vậy, thu nhập của cán bộ, nhân viên trong viện tăng từ 25 đến 30% so với trước khi chưa chuyển đổi.

Không kể hai tổ chức KH và CN là Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công nghiệp và Viện Nghiên cứu Thương mại (không thuộc diện bắt buộc chuyển đổi) và hai đơn vị đã thí điểm chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH và CN là Viện Máy và dụng cụ công nghiệp (IMI), Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, hết năm 2008 đã có 18/21 tổ chức KH và CN thuộc Bộ Công thương chuyển đổi sang hoạt động theo Nghị định 115. Ðây là một trong các bộ, ngành đi tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức KH và CN theo cơ chế mới, đã loại bỏ tư tưởng bao cấp, trông chờ và ỷ lại, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu KH và chuyển giao CN; khơi dậy khả năng sẵn có trong mỗi con người... đó là ghi nhận của chúng tôi khi tiếp xúc, gặp gỡ với một số đơn vị KH và CN thuộc ngành công thương.

SAU gần ba năm chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phần lớn các tổ chức KH và CN trong ngành đã phát huy được các tiềm năng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và nguồn vốn để hình thành mô hình hoạt động mới, đa chức năng, đa dạng hóa sản phẩm. Không ít đề tài nghiên cứu, ứng dụng của các viện IMI, nghiên cứu cơ khí, cơ khí năng lượng mỏ... đã cho ra thị trường những mặt hàng, thiết bị chuyên dùng có chất lượng. Trong điều kiện nguồn kinh phí do Nhà nước và cơ quan chủ quản cấp ngày càng giảm, nhưng nguồn thu của các đơn vị KH và CN thuộc ngành công thương, ba năm qua tăng 1,8 lần. Ðáng chú ý nguồn thu từ các nhiệm vụ, đề tài KH và CN được giao, các hợp đồng kinh tế kỹ thuật, hằng năm chiếm hơn 50% tại các viện nghiên cứu...

Trong quá trình tìm hiểu hoạt động thực tế chúng tôi nhận thấy vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai, thực hiện theo Nghị định 115. Việc giao quyền tự chủ về tài chính, đất đai còn chậm, ưu đãi trong vay vốn để phát triển KH và CN mới dừng lại trên giấy tờ. Một số tổ chức KH và CN nói chung, trong đó có ngành công thương, không có nguồn tài chính để giải quyết số lao động dôi dư, hoặc trường hợp có nguyện vọng muốn nghỉ việc theo Nghị định số 132 (năm 2007). Văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành và các cơ quan quản lý địa phương trong việc thực hiện Nghị định 115 thiếu sự thống nhất, bởi vậy tình trạng vướng mắc trong đăng ký hoạt động KH và CN, đăng ký kinh doanh... đã gây ảnh hưởng cho các đơn vị trong đấu thầu, hợp đồng kinh tế, giao dịch ngân hàng và các thủ tục hành chính khác. Tuy nhiên, cũng phải thấy một thực tế là, bên cạnh một số tổ chức KH và CN thuộc ngành công thương "hào hứng" đón nhận Nghị định 115, coi đây là điều kiện để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh thì không ít đơn vị KH và CN công lập trong cả nước còn do dự trong việc triển khai theo cơ chế mới mà nguyên nhân chính là vẫn mang nặng tư tưởng bao cấp, trông chờ, ngại khó, thiếu quyết tâm của một bộ phận người đứng đầu các tổ chức KH và CN ở đây... Ðược biết Bộ KH và CN phối hợp các bộ, ngành liên quan đang có kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều bất hợp lý trong Nghị định 115 và Nghị định 80 về doanh nghiệp KH và CN. Tin rằng với sự đồng bộ trong cơ chế, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức KH và CN, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất