Chủ Nhật, 29/9/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 22/11/2009 15:19'(GMT+7)

Máy gia tốc bắt đầu mô phỏng vụ nổ Big Bang

Chiếc máy gia tốc hạt lớn (LHC). (Ảnh: AP)

Chiếc máy gia tốc hạt lớn (LHC). (Ảnh: AP)

Người phát ngôn của CERN James Gillies cho biết, việc khởi động cỗ máy này đã diễn ra nhanh hơn dự kiến khi chùm tia proton đã được bắn đi theo chiều kim đồng hồ vào lúc 22 giờ (giờ địa phương) tối 20/11. CERN cho biết khoảng hai giờ sau, các nhà khoa học đã bắn thêm một chùm tia khác ngược chiều kim đồng hồ với mục tiêu ban đầu là khởi động lại và tái hiện vụ nổ Big Bang qua các cú va chạm giữa các hạt proton. Sự di chuyển của các luồng hạt proton là một thành công đáng kể.

Ông Gillies cho rằng đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường hướng tới những khám phá khoa học với cỗ máy khổng lồ này. Để tránh lặp lại sự cố trước kia, CERN đã khởi động từng bước LHC. Ông Gillies cho biết thí nghiệm quan trọng tiếp theo sẽ là các vụ va chạm với năng lượng thấp, dự kiến diễn ra trong một tuần nữa.

Theo CERN, LHC cũng sẽ được dùng để tiến hành các vụ va chạm giữa các hạt ion chì, là các hạt nhân của nguyên tố có trọng lượng gấp 160 lần proton này. Thí nghiệm này hứa hẹn sẽ hé mở nhiều bí ẩn khác của khoa học. Theo kế hoạch cỗ máy sẽ bắt đầu thực hiện những thử nghiệm mô phỏng quá trình tạo nên vật chất trong vũ trụ từ tháng 1/2010.

Với quy mô chưa từng thấy, LHC được chứa trong một đường hầm nằm ở độ sâu 100m dưới mặt đất ở khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Nó đã được khởi động lần đầu tiên vào ngày 10/9/2008. Tuy nhiên, chỉ sau đó 9 ngày, cỗ máy có chu vi 27km này đã bị chệch mục tiêu. Nguyên nhân sự cố được xác định là LHC đã quá nóng vì một ổ nối điện trên cáp siêu dẫn nối hai nam châm làm mát bị hỏng, dẫn đến các trục trặc khác ở bộ phận cơ khí và gây rò rỉ heli. CERN đã phải bỏ ra 40 triệu USD để khắc phục và cải tiến cỗ máy./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất