Thứ Bảy, 23/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 7/2/2016 9:41'(GMT+7)

Niềm vui ngày Tết ở xóm trọ công nhân

Tết đến Xuân về, ai ai cũng có mong ước được quây quần, sum họp với người thân trong gia đình. Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện thực hiện mong ước ấy. Với mong muốn có thể chia sẻ, làm vơi đi nỗi buồn của những công nhân xa quê không có điều kiện về sum vầy cùng gia đình vào dịp Tết, nhiều chủ nhà trọ có tấm lòng thơm thảo đã tổ chức nhiều hoạt động trong dịp này như gói bánh tét, tiệc tất niên, tặng quà, giúp các công nhân ở lại vơi bớt nỗi nhớ quê hương. 

* Vui Tết với đại gia đình thứ hai 

Trước Tết khoảng nửa tháng, xóm trọ của bà Lê Thị Thanh Hoa (khu phố 5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đã tràn ngập những tiếng cười, vẻ mặt háo hức của 120 công nhân thuê trong 32 phòng trọ. Họ bàn tán, đoán già đoán non xem “dì Hoa” sẽ tổ chức hoạt động gì trong dịp Tết này. 

Năm nào cũng vậy, bà Hoa dành toàn bộ khoản tiền cho thuê nhà tháng cuối năm (khoảng gần 20 triệu đồng) để tổ chức tiệc tất niên và mua quà tặng công nhân trong xóm trọ. Công việc được cắt đặt từ mấy hôm trước, ai đi chợ, ai nấu, ai sắp mâm được phân công rõ ràng. Bà Hoa đi chợ và vào bếp nấu nướng cùng công nhân, ai cũng cảm nhận được không khí vui tươi và ấm cúng như một gia đình. 

“Được dự tiệc tất niên và nhận những món quà của dì Hoa làm chúng tôi có cảm giác như được đón Tết bên gia đình, người thân. Nhiều người trọ ở đây đã nhiều năm, chỉ đến khi mua được nhà mới chuyển đi, đi rồi mà vẫn luyến tiếc tình cảm chân thành của dì”, chị Nguyễn Thị Hằng, Công nhân Công ty Giày da Freetrend – Khu chế xuất Linh Trung 1, tâm sự. 

Năm nay, tiệc tất niên được bà Hoa tổ chức sớm hơn để mọi công nhân có thể tham gia. Không chỉ công nhân đang ở trọ mà còn có cả người đã có nhà riêng cũng về tham dự. “Có nhiều công nhân đã ở đây cùng tôi chừng 16-17 năm nên tình cảm gắn bó như con cháu trong nhà. Tết đến, thương tụi nhỏ thiếu thốn tình cảm gia đình nên tôi nghĩ mình cần làm vài việc để chúng bớt nhớ nhà”, bà Hoa chia sẻ. 

Riêng những công nhân không về quê đón Tết, vào ngày 28 tháng Chạp, bà tổ chức gói bánh tét tặng các gia đình công nhân. Mọi người xúm lại gói bánh, ai biết làm công đoạn nào thì nhận làm công đoạn đó, cả người lớn trẻ con đều háo hức. 

Trong đêm Giao thừa, bà Hoa còn mời mọi người sang nhà bà cùng ăn bánh, trò chuyện và lì xì cho trẻ con. “Tính ra tôi được làm nội, làm ngoại của mười mấy đứa trẻ con trong xóm. Đi đâu thì đi chứ về tới nhà là bọn trẻ con ùa sang nhà chơi, vui đáo để. Có những Tết vắng mấy đứa mà nhớ hơn cả nhớ cháu ruột mình”, bà Hoa bộc bạch. 

* Ấm lòng người xa quê ngày Tết 

Trong bữa tiệc tất niên của khu trọ nhà ông Nguyễn Văn Lẹ (khu phố 4, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức), không chỉ có công nhân mà còn có cả những người bán hàng rong không có điều kiện về quê đón Tết. 

“Tôi có 26 phòng trọ, chủ yếu là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tết năm nay, có đến 17 phòng ở lại không về quê nên tôi quyết định tổ chức một số hoạt động để các cháu đỡ buồn. Chúng cũng như con cháu mình vậy, gắn bó nhiều năm rồi nên tôi thương lắm”, ông Lẹ chia sẻ. 

Trước Tết, vợ chồng ông Lẹ đến hỏi thăm từng phòng trọ xem ai về ai ở lại để có kế hoạch chăm lo. Những người ở lại được ông bà ghi tên lại cẩn thận. Ông Lẹ bảo: “Phòng nào không về quê sẽ được tôi tặng quà. Không nhiều đâu, chỉ gói bánh, gói kẹo, bột ngọt, nước mắm nhưng ai cũng vui. Mà thấy tụi nhỏ vui mình cũng vui lây”. 

Bà Nguyễn Thị Phước, vợ ông cho biết thêm, mấy năm trước ông bà chỉ tặng quà chứ chưa có điều kiện tổ chức tiệc tất niên cho công nhân. Năm nay, ông bà cố gắng thu xếp để có thể tổ chức được một bữa cơm ấm cúng, sau đó còn phối hợp với Chi đoàn phường Linh Xuân tổ chức giao lưu văn nghệ để công nhân không về quê đón Tết thêm vui. 

Anh Hoàng Văn Nhung, quê ở huyện Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, 5 năm nay vợ chồng anh chưa về quê đón Tết, phần vì sinh hai con nhỏ liên tiếp, phần vì không có tiền. Năm năm cũng là 5 cái Tết anh đón giao thừa với gia đình ông Lẹ và mọi người trong xóm trọ. “Được đón giao thừa với mọi người, vợ chồng tôi cũng thấy đỡ tủi. Không chỉ tôi mà mọi người đều coi xóm trọ như đại gia đình thứ hai của mình, nên sống rất hòa nhã, vui vẻ, bảo vệ lẫn nhau”, anh Nhung cho biết. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Đức, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Thủ Đức cho biết, việc chăm lo cho người lao động mỗi dịp Tết đến Xuân về đã được các chủ nhà trọ có tấm lòng thơm thảo thực hiện từ nhiều năm nay. Mỗi năm số người, số quà đều tăng lên cùng với những hình thức tổ chức phong phú, đa dạng. Nhiều chủ nhà trọ có cùng suy nghĩ, họ làm vì thấy đúng với lòng mình chứ không phải để được tuyên dương. Từ những việc làm đầy nhân văn đó, người lao động thêm tin yêu vào cuộc sống nơi đất khách quê người, dần dần coi đó là quê hương thứ hai để cùng góp sức dựng xây Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất