Tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên gần 1.400 km2, Địa hình tự nhiên phân thành 3 vùng rõ rệt: vùng đồi núi bán sơn địa gồm huyện Nho Quan và một phần thành phố Tam Điệp; vùng đồng chiêm trũng gồm huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư; vùng đồng bằng ven biển gồm huyện Kim Sơn, phía Nam huyện Yên Khánh và một phần phía Đông huyện Yên Mô. Hằng năm, vùng bãi bồi thuộc huyện Kim Sơn tiến ra biển khoảng 80 m đến 100 m. Rừng núi Ninh Bình nằm trong hệ đá vôi hình cánh cung, chạy dài từ vùng Tây Bắc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Khu rừng nguyên sinh Cúc Phương có nhiều động, thực vật quý hiếm. Núi đá vôi ở Ninh Bình có nhiều hang động đẹp nổi tiếng như Nam thiên đệ nhị động (Bích Động), Nam thiên đệ tam động (Địch Lộng), động Thiên Tôn, động Liên Hoa, đặc biệt là khu hang động Tràng An... vùng đèo Ba Dội là “cổ họng Bắc - Nam”, cửa ải trọng yếu giữa Khu III và Khu IV của đất nước. Thiên nhiên đã tạo cho Ninh Bình một vùng đất có biển, có rừng núi, có đồng bằng, giàu tiềm năng phát triển toàn diện và là một địa bàn có thế hiểm yếu về quân sự: tiến có thể đánh, lui có thế giữ. Vì vậy, Ninh Bình là một vùng đất mang đầy dấu tích lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước từ thời Hai Bà Trưng đến ngày nay.
Những thành tựu nổi bật
Kinh tế của tỉnh có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng liên tục tăng qua các năm, bình quân 25 năm qua đạt 17,59%. Đến năm 2016, tổng giá trị GRDP gấp 52,2 lần so với năm 1992 (theo giá hiện hành); trong đó ngành nông lâm nghiệp, thủy sản gấp 11,4 lần, bình quân tăng 10,67%/năm; ngành công nghiệp xây dựng gấp 136,3 lần, bình quân tăng 22,73%/năm; dịch vụ gấp 95,4 lần, bình quân tăng 20,91%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng gấp 196,2 lần (theo giá hiện hành), bình quân tăng 19,39%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 13,1 lần so với năm 1992, bình quân tăng 3,5%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.264 tỷ đồng, gấp 181,6 lần, bình quân tăng 24,20%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng, gấp 47,7 lần, bình quân hằng năm tăng 24,20%/năm. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đạt 1.020 triệu USD, tăng gấp 408 lần so với năm đầu mới tái lập tỉnh. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 8,3 nghìn tỷ đồng. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến nay đã có 60 xã (chiếm 50,4% tổng số xã) và huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới. Du lịch có bước phát triển đột phá, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, đã tạo điều kiện và mở ra cơ hội, vận hội lớn đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước; năm 2016 lượng khách du lịch đạt 6,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 7,2 nghìn lượt.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, thuỷ lợi được tập trung đầu tư, phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Thị xã Ninh Bình, Tam Điệp trước đây quy mô diện tích nhỏ bé, hạ tầng kinh tế - xã hội nghèo nàn, kém phát triển; từ khi tái lập tỉnh, luôn được quan tâm đầu tư, quy hoạch, xây dựng đồng bộ, hiện đại, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Đặc biệt, thành phố Ninh Bình hiện nay đang được đầu tư mở rộng cả về quy mô, cấp độ và tính chất để trở thành đô thị loại I, hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại. Kết cấu hạ tầng giao thông được quy hoạch, xây dựng đồng bộ để liên kết vùng và nội vùng, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân. Các tuyến đường giao thông: Quốc lộ lA, Quốc lộ 10, tuyến đường cao tốc qua Ninh Bình, đường ĐT 477, Đường kết nối cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2; đường giao thông Bái Đính đi Kim Sơn; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và hàng chục nghìn km đường giao thông nông thôn, giao thông nội thị trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, theo hướng hiện đại. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng đồng bộ, ở vị trí thuân lợi, góp phần thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất. Năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt trên 22,5 nghìn tỷ đồng.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đạt được kết quả toàn diện về mọi lĩnh vực, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội. Giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp ngày càng tăng, vững chắc. Năm 2016, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 83,4%; chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên; kỳ thi tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng và tốt nghiệp THPT Quốc gia trong những năm qua, Ninh Bình luôn nằm ở tốp các tỉnh có điểm trung bình các môn thi dẫn đầu trong toàn quốc. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân được chú trọng, nhiều năm qua không để dịch bệnh lớn xảy ra. Đến nay, đã có 32 giường bệnh, tăng 45,3% và 8,3 bác sĩ/1vạn dân, gấp 2 lần so với năm 1992; nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện được tập trung xây dựng, nâng cấp với quy mô giường bệnh lớn, trang thiết bị hiện đại: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã trở thành bệnh viện vệ tinh của tuyến Trung ương, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tốt hơn. Công tác an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người nghèo, người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 5,77%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được duy trì và phát triển.
Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, lực lượng biên phòng trong sạch, vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp đấu tranh trấn áp tội phạm. Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả về bảo đảm an ninh trật tự như “Tổ liên gia tự quản”, “Xứ họ đạo bình yên, chùa tinh tiến”, “Trường học 3 an toàn”…được nhân rộng, triển khai hiệu quả, là điểm sáng trong toàn quốc; các tôn giáo trong tỉnh đều hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, quy định pháp của pháp luật, mối đoàn kết lương giáo ngày càng được phát huy.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của tỉnh. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, góp phần giữ vững ổn định tình hình tư tưởng, củng cố niềm tin, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Việc triển khai thực hiện các Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các nghị quyết về xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc học và làm theo gương Bác được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Công tác cán bộ đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định, từ việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đến thực hiện chính sách đối với cán bộ. Đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, đảm bảo về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng, công tác phát triển đảng viên ngày càng đi sâu vào chất lượng. Đến hết năm 2016, đã có 730 tổ chức cơ sở đảng, 67.132 đảng viên gấp 1,5 lần so với ngày đầu mới tái lập tỉnh.
Công tác dân vận được đổi mới, các hoạt động hướng về cơ sở, gần dân, sát với yêu cầu thực tiễn, thường xuyên đối thoại với nhân dân để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, từng bước đổi mới và đạt chất lượng, hiệu quả, tập trung vào việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác nội chính và phòng chống tham nhũng được tăng cường.Hiệu quả hoạt động của HĐND, năng lực quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của UBND các cấp có chuyển biến tích cực. Chất lượng tiếp xúc cử tri tiếp tục được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở, bám sát chức năng, nhiệm vụ chính trị để triển khai thực hiện một cách hiệu quả, luôn được Trung ương đánh giá có nhiều phong trào xuất sắc; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Ninh Bình tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh và bền vững
Tự hào về những trang sử vẻ vang của quê hương anh hùng, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình càng xác định rõ trách nhiệm, phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, năng động và sáng tạo của cha ông, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen đối với sự phát triển của đất nước và của tỉnh, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI xác định phương hướng, mục tiêu; các khâu đột phá, chương trình trọng tâm; nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị, điều hành của chính quyền các cấp; tăng cường đoàn kết xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp của nhân dân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế (GRDP), phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển văn hóa - xã hội toàn diện; thực hiện tốt và đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng địa phương. Phấn đấu đưa Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững”.
Theo đó, Ninh Bình xác định các khâu đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả du lịch, dịch vụ. Ban hành cơ chế quản lý; cải cách hành chính; thu hút đầu tư. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút tài năng.
Các chương trình trọng tâm sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Xây dựng và quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; đẩy mạnh xuất khẩu; thu hút đầu tư. Xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển dịch vụ du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Phát huy vai trò của văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, thân thiện, hiếu khách. Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính; quy định rõ trách nhiệm của cấp, ngành đối với từng thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chất lượng và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng phong trào tự quản. Xây dựng Đảng trọng sạch, vững mạnh; chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh.
Thu Hằng