(TG)- Cuộc vận động thiết kế trang trí
thành phố Hà Nội năm 2017 nhằm đổi mới công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ
chính trị và trang trí thành phố, góp phần tạo không khí vui tươi, sôi
nổi, làm đẹp cảnh quan, mỹ quan Thủ đô trong dịp lễ, tết, các ngày kỷ
niệm lớn của đất nước và Thủ đô.
Ngày 3/3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức lễ phát động Cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố Hà Nội 2017. Đồng chí Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tới dự và chủ trì lễ phát động.
Cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố năm 2017 nhằm đổi mới công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thành phố, góp phần tạo không khí vui tươi, sôi nổi, làm đẹp cảnh quan, mỹ quan Thủ đô trong dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và Thủ đô. Việc trang trí thành phố cũng góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị đặc trưng của Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, thành phố Vì hòa bình. Chủ đề của các thiết kế xoay quanh nội dung là Hà Nội hội nhập và phát triển; Hà Nội mừng Đảng, mừng Xuân.
Tại lễ phát động, Ban Tổ chức cũng đưa ra yêu cầu đối với các tác phẩm thiết kế, phải chuyển tải được ý nghĩa chính trị, lịch sử và văn hóa của Thủ đô Hà Nội và các thời điểm diễn ra các sự kiện, các ngày kỷ niệm. Các hình thức thiết kế phải tạo được điểm nhân, thu hút sự chú ý đông đảo của người dân. Các thiết kế cũng phải chứa đựng ý tưởng sáng tạo và phù hợp với xu hướng trang trí hiện đại. Thiết kế phải có tính khả thi cao, ưu tiên những phương án ứng dụng công nghệ mới, sử dụng vật liệu phù hợp, có màu sắc trang nhã, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mxy thuật, an toàn trong quá trình thi công và sử dụng.
|
|
Về hình thức thiết kế, sẽ trang trí tổng thể các khu vực, tuyến đường trung tâm trong các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô; bao gồm trang trí các diện bề mặt công trình kiến trúc, cây xanh, vỉa hè, điện chiếu sáng, các dải phân cách. Trang trí các cụm mô hình biểu tượng, cụm cờ và các hình thức khác.
Vị trí đặt các thiết kế trang trí tại quảng trường và vườn hoa Cách mạng tháng Tám, Đông Kinh Nghĩa thục, Mùng 1/5, Tượng đài Lý thái Tổ; tại các nút giao thông lớn; tại các tuyến phố như Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Bà Triệu, Hai Bà trung, Hàng Bài, Ngô Quyền, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Võ Chí Công...
Các thiết kế sẽ được sử dụng tại các sự kiện kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 127 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; chào mừng Hội nghị cấp cao APEC; kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ; 72 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội 10/10; mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất.
Đối tượng dự thi bao gồm tất cả các cá nhân, tổ chức là công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nguyện vọng và năng lực phù hợp với thể lệ cuộc thi. Thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo, tổ tư vấn không được tham gia dự thi. Mỗi tác giả được tham dự nhiều vị trí và phương án thiết kế, không hạn chế số lượng tác phẩm. Tác giải tham dự phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về bản quyền của tác phẩm, chưa gửi tham gia các cuộc thi khác, chưa được phổ biến dưới bất kỳ hình thức nào, không vi phạm các quy định về bản quyền tác giả. Mỗi tác giả gửi tác phẩm sẽ được hỗ trợ 1.000.000đ
Ban tổ chức sẽ cấp giấy chứng nhận cho tác giả, đơn vị đạt giải; trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba và 5 giải khuyến khích. Ngoài ra các giải thưởng chính thức, các mẫu được chọn thêm sẽ được hỗ trợ mỗi tác hẩm 2.000.000đ.
Thời gian nhận tác phẩm được chia làm hai đợt. Đợt 1 từ ngày 26 đến ngày 30/3/2017. Đợt 2 từ ngày 28 đến ngày 30/8/2017.
Năm 2016, Ban Tổ chức Cuộc vận động thiết kế trang trí Thành phố đã nhận được tổng số 84 tác phẩm dự thi, trong đó, các tác phẩm đạt giải đã được sử dụng trang trí trên các tuyến đường, các nút giao thông lớn, khu vực cửa ngõ các cây cầu lớn của Thủ đô.
• Với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, Ban Tổ chức đã chọn được một số mẫu thiết kế đặc sắc thể hiện sắc xuân của Hà Nội như:
Tại đường Tràng Tiền, Hàng Bài: hai tuyến đường có những công trình kiến trúc đẹp của Hà Nội, Ban Tổ chức sử dụng hình ảnh Khuê Văn Các, kết hợp với hoa đào, mang tới nét xuân và sức xuân của Hà Nội, luôn đổi mới và phát triển, nhưng vẫn giữ trong lòng những giá trị văn hóa truyền thống.
“Con đường mùa xuân” trên phố Bà Triệu mang tới thông điệp chào đón một mùa xuân mới an khang, thịnh vượng và tràn đầy hạnh phúc.
Trên đường Điện Biên Phủ: thiết kế lấy ý tưởng đan xen giữa hoa mai và hoa đào gắn kết với cờ Đảng và cờ Tổ quốc, mang thông điệp về sự đoàn kết, thống nhất.
• Với chủ đề Hà Nội hội nhập và phát triển, các thiết kế lại tập trung thể hiện sự vươn lên của Hà Nội trên đường đổi mới.
Tại đường Ngô Quyền: Tác giả sử dụng hình ảnh cây năng lượng đang vươn mình để diễn tả một mùa xuân mới đang đến trong giai đoạn đất nước đổi mới và vươn lên mạnh mẽ.
Đường Phan Đình Phùng sử dụng hình ảnh ngôi sao vàng 5 cánh rực rỡ thể hiện niềm tin và hy vọng Thủ đô ngày càng phát triển văn minh và thịnh vượng.
Cũng với ý tưởng hội nhập và phát triển, hai cổng vòm trên đường Võ Nguyên Giáp đưuợc thiết kế nhằm mang tới thông điệp về sự vươn lên mạnh mẽ của Hà Nội, những vẫn lưu giữ trong lòng giá trị văn hóa của Thăng Long- Hà Nội.
Tại các nút giao thông lớn gồm: vòng xuyến trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đảo giao thông trước ngân hàng Nhà nước, Ban Tổ chức sử dụng cụm mô hình trang trí ánh sáng “Đài sen” để mang tới thông điệp về một Hà Nội, một Việt Nam vươn lên từ gian khó. Những cánh sen đan vào nhau thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất của dân tộc.
|
|
Bảo Châu