Thứ Năm, 12/12/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Ba, 18/10/2022 16:2'(GMT+7)

Ninh Thuận: Theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, ứng phó với những diễn biến thời tiết cực đoan

Ảnh minh họa (Ảnh: Duy Phương)

Ảnh minh họa (Ảnh: Duy Phương)

Trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan, mưa bão khó lường gây ra, UBND tỉnh Ninh Thuận luôn chủ động công tác phòng, chống phù hợp với diễn biến của tình hình mưa lũ, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ TÌNH HÌNH AN TOÀN HỒ CHỨA

Trước diễn biến của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; tổ chức trực ban 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ tình hình an toàn hồ chứa; phối hợp với các huyện trong việc thực hiện quy trình vận hành, đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du do xả lũ gây ra.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, khuyến cáo các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, khu vực ven sông suối, sạt lở đất, đá lăn…không được qua lại các khu vực nguy hiểm; cắm biển báo và tổ chức trực, hướng dẫn cụ thể để nhân dân thực hiện cảnh giác cao độ; đồng thời triển khai phương án bảo vệ trọng điểm vùng xung yếu, bảo đảm an toàn cho dân cư vùng ven sông, suối và xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn trên địa bàn quản lý.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi phải thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ để chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ lưu đến nơi an toàn; kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa đã đầy nước, chủ động nắm bắt, xử lý thông tin kịp thời để đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa khi hồ xả lũ hoặc có sự cố công trình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chỉ đạo Chi cục Thủy lợi triển khai các biện pháp, phương án bảo vệ đê điều, nhất là tuyến đê, kè đang tập trung thi công.

Hiện nay, chính quyền các địa phương ở tỉnh Ninh Thuận đang gấp rút kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, vùng dễ bị chia cắt, sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn; chủ động kiểm tra các điều kiện đảm bảo trong trường hợp mưa lũ tiếp tục kéo dài. Đồng thời, tăng cường rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi, trong đó chủ động thu hoạch lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch, sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Các đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương ở Ninh Thuận đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát chủ động phương án sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập lụt; đồng thời chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng tổ chức cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói.

Do mưa lớn kéo dài trong hai ngày qua, một số đoạn của tuyến đường ven biển qua huyện Thuận Nam, đoạn từ xã Phước Dinh đi xã Phước Diêm đã vị sạt lở nhiều; cát, đất, đá từ trên núi đổ xuống lấn cả mặt đường, gây mất an toàn cho người dân lưu thông qua lại.

 Hiện nay, một số địa phương vùng trũng thấp ở các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam đang xảy ra tình trạng ngập lụt. Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm bị ngập sâu, khó khăn cho người và phương tiện tham gia lưu thông.

Theo lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, tính đến sáng 22/11, tổng lượng nước tại 22 hồ chứa do công ty quản lý đạt 342,3/414,29 triệu m3 dung tích thiết kế (bằng 82,6%). Hiện 13/22 hồ có lượng nước vượt dung tích thiết kế; 9 hồ nước qua tràn tự do; 9 hồ phải mở từ 1 - 3 cửa để xả lũ nhưng đảm bảo cân đối lưu lượng xả, tránh ngập úng, thiệt hại cho vùng hạ du và đảm bảo an toàn công trình.

THỰC HIỆN PHƯƠNG CHÂM "4 TẠI CHỖ"

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đã xác định rõ vùng, các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét. Cụ thể là khu vực đèo Ngoạn Mục, suối SaKai, suối Gia Chiêu, suối Tầm Ngân 1, thượng nguồn của các sông suối bắt nguồn từ Lâm Đồng về địa bàn các xã Lâm Sơn, Mỹ Sơn và Ma Nới, huyện Ninh Sơn; tại huyện Bác Ái đó là các xã Phước Chính, Phước Thành; Phước Bình; tại huyện Thuận Bắc là các xã Công Hải, xã Lợi Hải xã Bắc Phong và Phước Kháng.

Hồ Tân Giang, huyện Thuận Nam đang xả lũ.

Hồ Tân Giang, huyện Thuận Nam đang xả lũ.

Các khu vực trọng điểm thường xảy sạt lở đất, đá là ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn; tuyến đường tỉnh lộ 701 trên địa bàn xã Phước Dinh, (đường ven biển đoạn Mũi Dinh đi Cà Ná) của huyện Thuận Nam; tuyến đường xã Phước Thành và xã Phước Chiến; đoạn đường khu vực núi xuống Bình Tiên xã Công Hải, huyện Thuận Bắc; tuyến đường tỉnh lộ 706, đoạn đường từ xã Phước Thành, huyện Bác Ái đến xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc; tuyến đường tỉnh lộ 707, đoạn từ xã Phước Hòa đến xã Phước Bình, huyện Bác Ái.

Khu vực sạt lở núi, đất ở xã Ma Nới, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn; các khu vực thuộc xã Phước Bình, xã Phước Thành huyện Bác Ái; khu vực Núi Chúa xã Lợi Hải; các khu vực của xã Phước Kháng, xã Bắc Sơn, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc; khu vực thôn Sơn Hải 2 thuộc xã Phước Dinh và khu vực xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Ngoài ra, có một số khu vực thuộc xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước; khu vực Đèo Cậu thuộc địa bàn xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn và khu vực bờ Sông Dinh.

UBND tỉnh Ninh Thuận giao Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để hỗ trợ các địa phương trong tỉnh ứng phó với thiên tai lũ lụt, kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có xảy ra sự cố.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, đập, hồ chứa nước, vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa, phù hợp với tình hình mưa lũ; phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, vận hành các hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, những ngày qua, do mưa lớn diễn ra liên tục nên đã bổ sung lượng nước đáng kể cho các hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Tính đến sáng 17/10, tổng lượng nước tại 22 hồ chứa của tỉnh là 228,02 triệu/414,29 triệu m3, đạt trên 68% dung tích thiết kế. Do một số hồ chứa lượng nước xấp xỉ bằng dung tích thiết kế nên để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, Công ty tiến hành mở cửa van xả lũ tại 8 hồ chứa với lưu lượng trên 105 m3/s; có 8 hồ đang tràn tự do với lưu lượng 23,45 m3/s. Công ty đã chỉ đạo các Trạm Thủy nông các huyện liên tục theo dõi mực nước các hồ để chủ động báo cáo, có cơ sở điều tiết xả lũ hợp lý; đồng thời thường xuyên thông báo với các địa phương vùng hạ lưu theo quy định để kịp thời phó, tránh thiệt hại xảy ra./.

Thăng Long

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất