Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu nhấn mạnh: Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất này là lần đầu tiên một không gian đờn ca tài tử được tạo dựng, đây là nơi giao lưu, gặp gỡ của các nghệ nhân, nghệ sĩ và người mộ điệu cả nước; là diễn đàn trao đổi, bàn luận về trách nhiệm bảo tồn, lưu giữ và phát triển Nghệ thuật ĐCTT… Bạc Liêu ý thức sâu sắc rằng: Bản sắc văn hóa Nam bộ chính là động lực để Nam bộ phát triển, mà nghệ thuật ĐCTT là yếu tố rất quan trọng góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa ấy. Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất tại Bạc Liêu nhằm làm sâu sắc thêm tiềm năng, lợi thế và sức mạnh của Nam bộ, là diễn đàn phát đi thông điệp: “phải bảo tồn, phát huy những giá trị vĩnh hằng ấy”…
|
Nhiều tiết mục đặc sắc được biểu diễn trong đêm khai mạc. Ảnh: Thế Kỷ |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Festival là hoạt động có quy mô đầu tiên hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là hành động thiết thực bảo tồn các giá trị di sản văn hóa dân tộc – được xác định là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa của đất nước, góp phần gìn giữ cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam. Chúng ta hãy cùng chung tay để ĐCTT tiếp tục hòa vào dòng chảy của tinh hoa văn hóa Việt Nam, vào kho tàng văn hóa của nhân loại"
Với chủ đề “Đờn ca tài tử, tình người – tình đất phương Nam”, chương trình ca nhạc diễn ra ấn tượng và hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vũ công trong cả nước. Sân khấu khai mạc đậm chất Nam bộ và điểm nhấn là mô hình bộ “tứ tuyệt”: kìm – cò - tranh - bầu, đặt ở vị trí trung tâm. Xuyên xuốt chương trình tái hiện lại câu chuyện kể về sự ra đời và những nét đặc sắc của nghệ thuật ĐCTT, sự hình thành bản Dạ cổ hoài lang trên quê hương Bạc Liêu và quá trình cải tiến thành bài vọng cổ. Lần lượt những điệu thức chính: Nam, Bắc, Bắc lễ, Oán trong 20 bài bản Tổ của ĐCTT, từ bài Dạ cổ hoài lang nhịp 2 đến bài vọng cổ nhịp 32 được tái hiện trên sân khấu.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival ĐCTT, các đại biểu còn được thưởng thức đờn ca tài tử qua buổi liên hoan ĐCTT với khoảng 350 nghệ nhân đờn và ca tài tử của 21 tỉnh, thành Nam bộ, các đoàn xây dựng một chương trình dự thi và đảm bảo các nội dung: hòa đờn, hòa ca, song tấu, độc tấu. Điểm đặc biệt ở liên hoan lần này là ban tổ chức quy định các đơn vị dự thi phải có thí sinh dưới 15 tuổi tham gia. Đây được xem là hành động thể hiện tính trao truyền, kế thừa của loại hình nghệ thuật này cho các thế hệ trẻ mai sau.
Trước đó, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã khánh thành Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại phường 2, TP Bạc Liêu, trên khu đất của khu lưu niệm cũ, được mở rộng thêm. Tổng diện tích khu lưu niệm trên 12.500m2 (phần mở rộng hơn 10.000m2), tổng vốn đầu tư hơn 75 tỷ đồng. Công trình có nhiều hạng mục nổi bật như: Nhà trưng bày ĐCTT, cải lương; nhà trưng bày tranh, ảnh, hiện vật về nhạc sĩ Cao Văn Lầu và sự phát triển của bài vọng cổ; sân khấu biểu diễn; tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu…Điểm nhấn của công trình là biểu tượng ống tre cách điệu cây đờn kìm trên đỉnh nóc nhà hành chính với các bậc thang đi lên được bố trí theo các số bậc: 2, 4, 8, 16, 32 và 64, tượng trưng cho sự phát triển từ bản Dạ cổ hoài lang đến bài vọng cổ nhịp 64…
Tuấn Đạt