Trong thời gian qua, dưới sự
lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt,
kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của
các cấp, các ngành, các địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ
thống các tổ chức tín dụng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, bám sát thực
tiễn, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm,
trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng,
góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức
tạp, xung đột quân sự kéo dài ở một số khu vực, kinh tế toàn cầu phục
hồi chậm, không đồng đều, thiếu vững chắc; thiên tai, biến đổi khí hậu
ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia. Ở trong nước, hoạt động sản xuất, kinh
doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là chịu
thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, thiên tai, lũ lụt gây ra ở nhiều địa
phương, việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, nợ xấu của ngân hàng tăng.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả điều hành tín dụng năm 2024,
tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, hoạt động
ngân hàng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tăng trưởng kinh tế và phấn đấu
hoàn thành cao nhất toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội của năm 2024 theo các chủ trương, nghị quyết, kết
luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp
tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và
điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn để phân
tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp
thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở
rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác;
trong đó tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ,
giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, điều hành
thị trường mở, lượng tiền cung ứng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay… để
cung ứng vốn cho nền kinh tế với chi phí hợp lý; đưa tiền ra và hút tiền
về nhịp nhàng, đồng bộ, hợp lý, không giật cục và tạo áp lực thanh
khoản cho hệ thống ngân hàng, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc
phục nhanh hậu quả cơn bão số 3, phục hồi và phát triển sản xuất kinh
doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm
soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt
động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn
trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tín dụng
phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho
nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát
triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân theo
tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tương thân, tương ái, lá lành
đùm lá rách, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu
quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm,
không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng
của hệ thống các tổ chức tín dụng. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín
dụng năm 2024 ở mức 15%.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải
pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các
tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát
triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho
ngân hàng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức
tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh
vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số, chuyển
đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia
sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; kiểm soát chặt chẽ tín
dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu
quả; tiếp tục có chính sách tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối
với doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh
doanh và nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tiếp tục nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua
tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng
công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín
dụng đẩy mạnh triển khai hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch các
gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối
với các lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng
của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, nhất là các gói tín dụng
nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, gói tín dụng cho lâm sản, thủy sản…; phát
huy vai trò, tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các
tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi
gặp khó khăn.
Cùng với đó, tiếp tục chủ động rà soát, tổng hợp khách hàng đang vay
vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để kịp thời áp dụng các
biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thông qua các biện
pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay
mới nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão theo quy định
hiện hành, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại theo quy
định.
Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm
soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng, công bố lãi suất của các tổ
chức tín dụng, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi
phạm; có giải pháp hiệu quả kịp thời xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ
chức tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực
tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực
hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện này.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao./.
TTXVN