Năm nay đánh dấu 25 năm, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp
ước biên giới trên đất liền và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên
giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (Nghị định thư phân giới cắm
mốc; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và
quy chế quản lý cửa khẩu).
Thành tựu lịch sử này đặt nền tảng pháp lý, chính trị để hai nước duy
trì môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo
đảm an ninh, quốc phòng... đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.
SỰ KIỆN LỊCH SỬ TRỌNG ĐẠI TRONG QUAN HỆ VIỆT - TRUNG
Với mục tiêu xác lập đường biên giới rõ ràng giữa hai nước, từ năm
1974 đến 1979, Việt Nam và Trung Quốc đã ba lần đàm phán biên giới lãnh
thổ, nhưng không đạt được kết quả do hai bên có lập trường, quan điểm
khác xa nhau. Sau khi bình thường hóa quan hệ, từ tháng 10/1992, hai bên
đàm phán lần thứ tư về biên giới lãnh thổ. Tháng 10/1993, hai bên đạt
được Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới
lãnh thổ giữa Việt Nam - Trung Quốc, đồng ý lấy các Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 cùng các văn kiện, bản đồ hoạch định, cắm mốc biên
giới kèm theo làm căn cứ để xác định lại đường biên giới Việt - Trung;
các khu dân cư hai bên đã sinh sống lâu đời thì duy trì cuộc sống ổn
định của dân cư; đối với những đoạn biên giới sông suối thì giải quyết
theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Ngày 30/12/1999 tại Hà Nội, sau 8 năm kiên trì đàm phán trong bối
cảnh biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Hiệp ước về
biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (gọi tắt là Hiệp ước 1999)
được ký kết, đặt nền tảng quan trọng cho việc xây dựng đường biên giới
hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài giữa hai nước.
Hiệp ước 1999 mới chỉ xác định đường biên giới bằng lời văn và trên
bản đồ. Để có thể xác định rõ ràng đường biên giới, hai bên cần tiến
hành phân giới cắm mốc, chuyển đường biên giới từ lời văn trong Hiệp ước
và bản đồ ra thực địa. Đến cuối năm 2008, công tác phân giới cắm mốc cơ
bản hoàn thành. Kết quả là chiều dài biên giới chính xác là 1.449,566
km, cắm được 1.970 cột mốc, trong đó có 1.548 cột mốc chính, 422 cột mốc
phụ. Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp
giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn
và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang
Quảng Tây của Trung Quốc.
Sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc, để hợp tác bảo vệ, quản lý biên
giới và mốc quốc giới, năm 2009, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đại diện
Chính phủ hai nước đã ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt
Nam - Trung Quốc. Ngày 14/7/2010, 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên
đất liền Việt Nam - Trung Quốc có hiệu lực và hai nước chính thức quản
lý đường biên giới đất liền theo các văn kiện pháp lý mới.
Từng trực tiếp tham gia các đàm phán biên giới Việt Nam - Trung Quốc
ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ và là người đầu tiên ở
châu Á dịch Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, TS. Trần Công
Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết, tranh chấp biên
giới đất liền giữa các quốc gia là một loại tranh chấp quốc tế phổ biến
thường được ưu tiên giải quyết sau khi quan hệ ngoại giao đã được thiết
lập. Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ
thông qua đàm phán hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc
tế, trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế, với một tinh thần
thật sự khiêm tốn, vì các quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên, cùng
nhau xử lý các bất đồng, tranh chấp theo đúng các nguyên tắc pháp lý đã
thỏa thuận.
“Có thể nói rằng, thành tựu này còn là một đóng góp có giá trị cho
thực tiễn quốc tế, một phần không thể tách rời của Công pháp quốc tế, để
giải quyết các tranh chấp biên giới, lãnh thổ quốc gia”, TS. Trần
Công Trục nhấn mạnh.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao nhận định: Việc hoàn thành phân giới
cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc không phải là kết quả
của sự nôn nóng, vội vã mà thành quả này có được là do khả năng nắm bắt
thời cơ để kết thúc có lợi và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo
cấp cao hai nước, những nỗ lực không mệt mỏi của hai đoàn đàm phán cấp
Chính phủ cũng như các chuyên gia, đại diện ngành hữu quan các tỉnh có
chung biên giới... Kết quả này là sự thể hiện sinh động của mối quan hệ
đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đóng góp
tích cực đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
QUẢN LÝ, XÂY DỰNG ĐƯỜNG BIÊN GIỚI HỮU NGHỊ
Trong suốt 25 năm qua, hai nước Việt Nam,
Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực, gìn giữ đường biên giới hòa bình, ổn
định, góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác, duy trì đà phát triển tích cực
của quan hệ hai nước lên tầm cao mới, đồng thời chứng minh Hiệp ước
1999 và việc hoàn thành phân giới cắm mốc, thực hiện 3 văn kiện pháp lý
về biên giới trên đất liền là một thành công có ý nghĩa lịch sử vô cùng
to lớn, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 15/8, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba nhấn
mạnh: “Hai bên đã thực hiện tốt Hiệp ước biên giới trên đất liền Trung
Quốc - Việt Nam, nhân dân ở biên giới hai nước an cư lạc nghiệp, sống
chung hài hòa, gắn bó như anh em một nhà. Khu vực biên giới Trung Quốc -
Việt Nam đã trở thành khu vực biên giới hòa bình nhất, ổn định nhất,
hài hòa nhất, giao lưu thương mại và nhân viên đi lại sôi nổi hàng đầu
trên thế giới. Tôi vẫn nhớ rất rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 8
năm ngoái đến cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan khảo sát và đã nhấn mạnh
rằng trên thế giới chỉ có duy nhất khu vực biên giới ở đây đặt tên cửa
khẩu bằng hai chữ “Hữu Nghị”, là “có một không hai” trên thế giới; thể
hiện sinh động cảnh tượng giao lưu hữu nghị tại khu vực biên giới hai
nước. Một khu vực biên giới hòa bình, an ninh rất đáng để chúng ta tự
hào”.
Theo Báo cáo Tổng quan tình hình quản lý, bảo vệ biên giới trên đất
liền Việt Nam - Trung Quốc từ sau khi 3 văn kiện pháp lý có hiệu lực cho
đến nay của Ủy ban Biên giới quốc gia, thực tiễn những năm qua cho thấy
đường biên giới hòa bình, ổn định đã góp phần tích cực thúc đẩy hợp
tác, phát triển tại khu vực biên giới, hoạt động trao đổi thương mại qua
các cửa khẩu biên giới phát triển mạnh mẽ.
Các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các lực lượng chức năng quản lý
biên giới hai nước được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai.
Hoạt động đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân
dân được đẩy mạnh, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, từ năm
2010 đến nay đã tổ chức 8 lần “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới
Việt Nam - Trung Quốc" và 3 lần “Giao lưu biên cương thắm tình hữu
nghị", qua đó xây dựng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, phối hợp
công tác hiệu quả giữa các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ biên giới
hai nước Việt - Trung.
Ở cấp địa phương biên giới, các hoạt động đối ngoại nhân dân, giao
lưu, thăm hỏi lẫn nhau nhân các dịp lễ, Tết truyền thống được tổ chức
thường xuyên; hoạt động giao lưu hữu nghị với nhiều hình thức phong phú
như kết nghĩa thôn - bản, đồn - trạm, cùng nhau xây dựng biên giới bình
yên, hữu nghị... đạt kết quả nổi bật, chính quyền địa phương biên giới
hai bên đã ký kết nghĩa 67 cặp cụm dân cư hai bên biên giới. Các cơ chế
hợp tác địa phương biên giới được tổ chức định kỳ, linh hoạt (kể cả
trong thời gian dịch COVID-19), qua đó đề xuất và phối hợp triển khai
thực hiện hiệu quả, thực chất nhiều nội dung hợp tác quản lý, bảo vệ
biên giới.
Với những kết quả tích cực trong quản lý, bảo vệ cũng như giao lưu
thương mại, hữu nghị biên giới hai nước Việt - Trung, thời gian tới,
theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài
Trung, hai nước sẽ “cùng trao đổi tạo ra những định hướng lớn, tạo sự
chuyển biến, đưa đường biên giới hòa bình ổn định Việt Nam - Trung Quốc
trở thành đường biên giới hợp tác, phát triển vững chắc, có tính tới các
xu thế lớn trong khu vực và trên thế giới hiện nay. Chúng ta sẽ tiếp
tục phối hợp tích cực với phía Trung Quốc để nỗ lực lớn hơn nữa, góp
phần xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thực sự trở
thành một đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát
triển, đem lại sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống thanh bình, yên
ổn, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân hai nước, nhất là nhân dân các địa
phương biên giới”./.
TTXVN