Dự cuộc làm việc có: Ủy viên
Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; các Phó Phó Thủ
tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; Bộ trưởng, lãnh đạo các
bộ, ngành Trung ương và Hà Nội.
GRDP TĂNG GẤP 1,16 LẦN MỨC TĂNG CỦA CẢ NƯỚC
Theo Thành ủy Hà Nội, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến
động, Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực vượt qua thách thức, đạt được những thành
tựu đáng khích lệ. Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên,
thành phố tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong
đó hoàn thiện trình Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua,
Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Bộ Chính
trị, Quốc hội cho ý kiến.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết
chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bằng 1,16 lần mức tăng của
cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt gần 324 nghìn tỷ đồng,
bằng 79,2% dự toán. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng
7/2024 đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch. Chỉ số sản xuất
công nghiệp tăng 6,2%. Thành phố đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du
lịch, tăng 33,2%. Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu
đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8%...
Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, cải cách hành chính,
chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số được đẩy mạnh. Quy
hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực theo
hướng thông minh, xanh và bền vững. Giai đoạn 2021-2025, thành phố dự
kiến hoàn thành khoảng 1,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 16.000 căn.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đẩy mạnh, an sinh xã hội
được bảo đảm toàn diện. Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước ban hành
và thực hiện Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn
2021-2025. Thành phố dành nguồn lực đầu tư cho 3 lĩnh vực: Văn hoá, giáo
dục và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử với gần 50.000 tỷ đồng.
Thành phố đã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới trước 2 năm
so với Kế hoạch, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện
đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng
cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố hỗ trợ thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với kinh phí gần 2.700 tỷ đồng,
cơ bản hoàn thành 32/35 chỉ tiêu. Thành phố bố trí kế hoạch vốn gần
1.600 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo bền vững và tỷ lệ hộ nghèo đã
giảm xuống còn 0,03%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của
thành phố.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đang đối mặt với một số thách thức. Tăng trưởng
bình quân giai đoạn 2021-2023 thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đề ra là
7,5-8,0%. Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nước ở các dòng sông, ô
nhiễm không khí khu vực nội đô đang là vấn đề cấp bách. Công tác quản
lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý các cơ sở kinh doanh có
điều kiện về an ninh trật tự còn bất cập; tình hình cháy nổ vẫn diễn
biến phức tạp…
Với tinh thần “5 rõ” trong phân công thực hiện là rõ việc, rõ người,
rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả và “3 rõ” trong kiểm tra giám
sát là rõ thẩm quyền và trách nhiệm, rõ quy trình, tiến độ và kết quả,
rõ kết quả kiểm tra xử lý, thời gian tới Hà Nội tập trung hoàn thiện cơ
chế, chính sách phát triển Thủ đô. Đồng thời thực hiện các giải pháp đột
phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển hạ
tầng, từng bước cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người
dân, doanh nghiệp.
Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số
nội dung liên quan triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024; có chính
sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các dự án công nghệ cao, các dự án có tác
động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời sớm
phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung
Thủ đô Hà Nội; cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị thông minh
tại một số khu đô thị; cho phép thực hiện các dự án tái thiết đô thị
trong khu vực nội thành; phát triển các tuyến đường sắt đô thị, các
tuyến giao thông kết nối vùng; phát triển trục sông Hồng là trục không
gian chủ đạo, để không gian sông Hồng trở thành “biểu tượng phát triển
mới của Thủ đô” theo Kết luận 80 của Bộ Chính trị...
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội thảo
luận đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải đáp, trao
đổi làm rõ nội dung mà thành phố đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ.
Lãnh đạo các bộ, ngành đề nghị Hà Nội ưu tiên phát triển công nghiệp
công nghệ cao, phát triển văn hóa – du lịch gắn với phát huy giá trị
truyền thống đặc trưng; tập trung phát triển hạ tầng hiện đại; coi trọng
quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển hạ tầng thương mại; rà soát
cơ chế, chính sách, đề xuất sửa đổi cơ chế đặc thù để khơi thông phát
triển…
TƯ DUY THỦ ĐÔ, HÀNH ĐỘNG HÀ NỘI
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với Hà Nội về đoàn kết, thống nhất, nỗ
lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”,
“Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” mà Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu và với phương châm “nguồn lực bắt nguồn
từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ
người dân, doanh nghiệp”.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền,
quân và dân Hà Nội đã nỗ lực, đạt kết quả nổi bật với các điểm sáng.
Kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển khá; thể chế, nhất là thể chế
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; huy
động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội. Thu ngân sách Nhà nước
được tăng cường; đầu tư công được tập trung triển khai, cơ bản khắc phục
tình trạng phân tán, dàn trải. Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã
hội số được quan tâm đẩy mạnh. Phát huy giá trị văn hóa và con người Hà
Nội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội được
nâng cao. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được
bảo đảm; quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển thiết thực và
hiệu quả.
Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức về tốc độ tăng
GRDP, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, phát huy và phát triển văn
hóa, kỷ cương hành chính, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản
lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự... của thành
phố, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự
báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều
hơn thời cơ, thuận lợi, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã
hội của nước ta. Do đó, nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, nhưng cũng hết
sức vẻ vang, đặc biệt là đối với Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước,
đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa
học, giáo dục, kinh tế và giao lưu quốc tế.
Quán triệt quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh -
Hiện đại", với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội"
như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế
giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự,
an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh
khoẻ cả về vật chất và tinh thần”, Thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục
rà soát, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhất là chỉ đạo của Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy
ngày 9/8 vừa qua; bám sát phương châm “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội”
để có những giải pháp đột phá, hiệu quả hơn nữa với “quyết tâm cao, nỗ
lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm” và phân công
“rõ người, rõ việc, rõ trách niệm, rõ thời gian, rõ tiến độ, rõ sản
phẩm”.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tập trung vào 5 trọng tâm: Đảo đảm ổn định
kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm
các cân đối lớn của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh
doanh, huy động mọi nguồn lực phát triển Thủ đô; đẩy mạnh cải cách thủ
tục hành chính; đảm bảo an sinh xã hội, môi trường; phát triển văn hóa
ngang tầm với truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng, văn hiến của Hà
Nội.
Chỉ rõ, phải thực hiện 10 nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, Hà
Nội cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục làm mới
các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng;
thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế xanh, kinh tế
số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Đồng thời, Hà
Nội tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, lập nghiệp, sử dụng hiệu quả
thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng thành phố
thông minh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đặc biệt là chỉ số
hài lòng của người dân. Cùng với đó là giải quyết các vấn đề hạ tầng đô
thị như giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, môi trường, an sinh xã hội;
quan tâm phát triển y tế, giáo dục, không để xảy ra thiếu thuốc, vật tư y
tế, không tăng giá sách giáo khoa.
Hà Nội phải tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh; rà soát các nhiệm
vụ về văn hóa, thể thao xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì
hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Đồng thời tập
trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn
kết nhất trí, chung sức đồng lòng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung xây dựng, hoàn thiện
chính sách, pháp luật để triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi); đẩy mạnh công
cuộc phòng, chống tham nhũng, phục vụ cho phát triển; đảm bảo quốc
phòng, an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh kinh tế đối ngoại và hội nhập
kinh tế quốc tế.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hà Nội, cho rằng đây đều là những
đề xuất chính đáng, xuất phát từ thực tế; cơ bản nhất trí xem xét, giải
quyết, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phối hợp với các
Bộ, ngành, cơ quan giải quyết với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ
trách nhiệm, rõ thời gian, rõ tiến độ, rõ sản phẩm,”, báo cáo các Phó
Thủ tướng phụ trách lĩnh vực quyết định./.
TTXVN