Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 1/1/2016 16:19'(GMT+7)

Nỗ lực vì sự phát triển thịnh vượng của đất nước thời kỳ mới

Vượt khó, đạt nhiều thành tựu nổi bật

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã triển khai hàng loạt biện pháp điều hành quyết liệt nhằm ứng phó với những khó khăn, thách thức trong nước và quốc tế. Với những chính sách đúng hướng, nhất quán, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành cùng với sự đồng thuận, nỗ lực, quyết tâm của cộng đồng DN và toàn thể nhân dân, đến nay, kinh tế Việt Nam đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, để phục hồi vững chắc và ổn định, gặt hái những thành tựu đáng ghi nhận.

Năm 2015, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất năm 2015 chỉ bằng 40% so năm 2011; dư nợ tín dụng tăng, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện; tỷ giá được điều chỉnh phù hợp, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; tỷ lệ nhập siêu giảm; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối đạt cao nhất từ trước đến nay; nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, trong giới hạn an toàn theo quy định, được tập trung cho đầu tư phát triển. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối của kế hoạch 5 năm, tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,68%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,29%. Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện và được xác định cụ thể hơn; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả: tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các NHTM cổ phần yếu kém, đến cuối năm 2015 tỷ lệ nợ xấu còn 2,9% và đã giảm 17 tổ chức tín dụng; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN...

Văn hóa, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của LHQ; mở rộng đối tượng và nâng mức hỗ trợ người có công; tạo việc làm cho hơn 7,8 triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm (các huyện nghèo giảm 6%/năm), đến cuối năm 2015 còn dưới 4,5%; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nhìn lại 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức và còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã cơ bản thực hiện mục tiêu tổng quát đề ra. Đặc điểm bao trùm trong điều hành của Chính phủ thời kỳ này là sự kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện các đột phá chiến lược, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh hướng tới phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời từng bước vượt qua thách thức, tham gia hội nhập sâu rộng hơn.

Chúng ta cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH. Tập trung quán triệt cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp, được nhân dân đồng tình ủng hộ; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời, phù hợp diễn biến mới của tình hình. Thực hiện nhất quán, thiết thực tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển; trong điều kiện khó khăn càng phải quan tâm bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, thu hút mạnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật kỷ cương; phối hợp chặt chẽ các tổ chức trong hệ thống chính trị; tạo đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Những thành tựu nêu trên của Chính phủ được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. LHQ đánh giá Việt Nam đã vươn mình phát triển, có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và hội nhập sâu rộng khu vực và thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá quy mô nền kinh tế Việt Nam không ngừng lớn mạnh, kết cấu hạ tầng phát triển khá nhanh, an sinh xã hội và đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam đạt thành công phát triển nhờ cải cách kinh tế theo hướng thị trường và bảo đảm chính trị ổn định. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá cao sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và Chính phủ đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là lĩnh vực ngân hàng...

Nỗ lực phát triển trong thời kỳ mới

Chúng ta thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2016 và 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh KHCN phát triển rất nhanh cùng với tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Kinh tế thị trường; tiến bộ công bằng xã hội; dân chủ-pháp quyền; hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình-phát triển và cùng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn, các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự và cạnh tranh chiến lược trong khu vực ngày càng quyết liệt, tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường. Trong nước, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều, có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo quản lý điều hành nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề trong khi nguồn lực còn hạn hẹp; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng,nhất là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới và Cộng đồng ASEAN mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Bối cảnh đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN tiếp tục tăng cường đoàn kết nhất trí, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2016-2020 và năm 2016.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển KTXH; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực KHCN; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường quốc phòng an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Năm 2016 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020; bên cạnh những cơ hội thuận lợi chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề. Điều này đòi hỏi người đứng đầu, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2016 triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; theo dõi sát diễn biến tình hình để điều chỉnh chính sách phù hợp, phấn đấu đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển KTXH năm 2016, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Nguyễn Đăng/Báo Nhân Dâ
n








Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất