Thứ Năm, 26/9/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 31/5/2009 18:36'(GMT+7)

“Nổi cộm tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong điều kiện nặng nhọc, không an toàn”

Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2009 (15-5 đến 30-6) chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ảnh), Phó giám đốc Sở LĐ, TB và XH TP.Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Xin bà cho biết những vấn đề nổi cộm trong công tác chăm sóc, bảo vệ  trẻ em hiện nay ?

- Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung: TP.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hoá lớn, có tốc độ phát triển nhanh của cả nước. Chính sự phát triển ấy đặt ra nhiều vấn đề bức xúc trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực giải quyết. Tuy nhiên nổi cộm nhất vẫn là tình trạng trẻ em lao động không có tay nghề đang bị lạm dụng, bóc lột, thậm chí bị ép buộc lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là tình trạng sử dụng bạo lực đối với trẻ em.
 
TP.Hồ Chí Minh là 1 trong 63 tỉnh, thành có mô hình Văn phòng tư vấn và hệ thống các kênh thông tin, đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh của người dân. Thông qua các phương tiện nói trên, ngành cũng đã kịp thời giải quyết nhiều trường hợp xâm hại đến trẻ em. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn rất phức tạp.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên, thưa bà?

- Ngoài nguyên nhân các em theo gia đình hoặc độc thân về TP.Hồ Chí Minh lao động mưu sinh, còn có nguyên nhân hết sức nguy hiểm, đó là trẻ em bị lừa theo đường dây “chăn dắt”. Thậm chí các bậc làm cha làm mẹ cũng bị lừa bởi đường dây này. Phần lớn, đó là những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái nghỉ học sớm. Gần đây nhất, Phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em của Sở giải cứu kịp thời cho một bé gái tên Na mới 13 tuổi (quê Nghệ An) bị lừa bởi đường dây “chăn dắt” vào TP.Hồ Chí Minh lao động kiếm tiền gửi về cho gia đình. Do tin tưởng T là người quen trong gia đình, cha mẹ bé Na đồng ý gửi em cho T dẫn vào TP.Hồ Chí Minh để giúp việc nhà cho một gia đình nhưng không biết rằng T là tên “chăn dắt”. Vào TP.HCM, bé Na bị ép làm việc tại một cơ sở may mặc trong điều kiện hết sức độc hại. Không chịu nổi, em bỏ trốn và được người tốt bụng trong khu phố giúp đỡ và báo cho Sở qua đường dây nóng (08)38215878. Nhận được thông tin, Sở kịp thời phối hợp cùng công an giải cứu bé Na và đưa về gia đình.

Là lĩnh vực ngành mới tiếp nhận từ năm 2008, công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống bạo hành ở trẻ em nói riêng gặp những khó khăn, vướng mắc nào trong thực tế?

- Quá trình tiếp nhận và triển khai thực hiện trong thực tế, ngành gặp không ít khó khăn. Nhất là đội ngũ cán bộ phụ trách tại các hệ thống cơ sở còn thiếu, trong khi mọi vấn đề đa phần phát sinh từ cơ sở. Tại cơ sở, một người phải kiêm nhiệm rất nhiều, vừa văn hoá, gia đình, dân số và trẻ em. Trách nhiệm rất lớn nhưng lại không được đào tạo chính quy và chế độ chính sách còn khiêm tốn. Hơn nữa, Sở VH-TT & DL, Sở LĐ-TB & XH, hoặc Sở Y tế có văn bản chỉ đạo cũng rất khác nhau. Do đó rất khó thực hiện tốt công việc. Thậm chí chức danh cũng không rõ ràng, nên chuyện thay đổi người, bỏ nghề không phải là hiếm.

Tháng vì trẻ em năm nay, ngành sẽ chú trọng vào vấn đề nào nhằm tạo dựng một môi trường lành mạnh cho trẻ phát triển?

- Với chủ đề của tháng hành động vì trẻ em năm nay là “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo” ngành sẽ tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho gia đình, xã hội, bản thân các em. Tập trung ngăn chặn tình trạng xâm hại, ngược đãi, lạm dụng, bóc lột sức lao động, chú trọng giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc nhất hiện nay. Đặc biệt, ngành sẽ tổ chức các diễn đàn lắng nghe ý kiến của trẻ em, qua đó chắt lọc, nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của các em. Từ đó điều chỉnh và xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp, mang lại lợi ích thiết thực hơn cho trẻ.

Xin cảm ơn bà!

(Theo: Văn hoá)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất