Chuyện học sinh vùng cao, miền biển, vùng khó khăn bỏ học sau đợt nghỉ
Tết Nguyên đán trở thành mối lo đối với ngành Giáo dục các tỉnh miền
Trung.
Tại
tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhờ chủ động triển khai nhiều biện pháp cụ thể,
phù hợp với thực tế địa phương nên tình trạng học sinh bỏ học sau Tết
Đinh Dậu đã giảm đáng kể.
Hằng
năm, cứ sau Tết Nguyên đán, học sinh trở lại lớp muộn hoặc bỏ học đã
ảnh hưởng đến công tác giảng dạy ở các trường tại huyện miền núi Nam
Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo
thầy giáo Nguyễn Phái, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Hương Hòa,
nguyên nhân học sinh bỏ học do phụ huynh ít quan tâm đến việc học của
con em mình. Một số em trong dịp Tết theo anh chị đi làm ăn xa kiếm
tiền. Năm nay, nhờ làm tốt công tác vận động nên đến thời điểm này chưa
có học sinh bỏ học.
|
Không có học sinh huyện Phú Vang nghỉ học ra Tết 2017 (Ảnh: Dân Trí) |
Thầy
giáo Nguyễn Phái cho biết thêm: “Nhà trường thực hiện một số giải pháp.
Trước hết, bằng những câu chuyện dưới cờ và trong những lần sinh hoạt
tập thể của lớp, nhà trường đã tuyên truyền cho các em biết về điều kiện
học tập để các em hiểu rõ hơn. Trước Tết, nhà trường mời phụ huynh đến
công bố kết quả học tập của học kỳ 1, tích hợp tuyên truyền với phụ
huynh để phụ huynh hiểu rõ trách nhiệm vận động con em đến trường”.
Nam
Đông là một trong những huyện miền núi ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có tỷ lệ
học sinh bỏ học giữa chừng khá cao. Năm học 2014-2015, cả huyện có 175
em bỏ học; năm học 2015-2016, hơn 100 em bỏ học sau Tết Nguyên đán. Sau
Tết Đinh Dậu, huyện Nam Đông chỉ có 18 học sinh bỏ học.
Ông
Lê Quang Thẩm, Trưởng Phòng Giáo Dục và Đào tạo Huyện Nam Đông cho
biết: “Trước Tết nguyên đán, UBND huyện Nam Đông đã yêu cầu các địa
phương phối hợp với trường học triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn
tình trạng học sinh bỏ học.
Số
bỏ học chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số. Phụ huynh các xã đồng bào
dân tộc thiểu số ít quan tâm đến con em, nên có thể không phải gia đình
không cho đi mà các em tự bỏ đi. Nguyên nhân thứ 2 là các em chưa quan
tâm đến sự nghiệp sau này và nguyên nhân thứ 3 là có một số em học sinh
đồng bào thiểu số học yếu nên các em chán nản sinh ra bỏ học”.
Tình
trạng học sinh bỏ học sau Tết Nguyên đán không chỉ xảy ra ở các huyện
miền núi, mà còn khá phổ biến ở vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế như:
Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền….
Để
ngăn chặn tình trạng này, trước Tết Đinh Dậu, các trường đã quan tâm
tới những học sinh có nguy cơ bỏ học; từ đó phối hợp với địa phương vận
động, hỗ trợ phụ huynh đưa các em đến trường.
Ông
Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho
biết: “Các trường còn tổ chức trao quà, học bổng, giúp đỡ học sinh hoàn
cảnh khó khăn. Ngành Giáo dục phát động toàn ngành xã hội hóa, huy động
sách vở, áo quần... giúp các em. Chúng tôi huy động được 700 triệu
đồng, nhắm đến các đối tượng vùng khó của sự cố môi trường, các đối
tượng khó của miền núi để giúp cho các cháu, góp phần động viên tinh
thần để các cháu yêu mến trường hơn để không bỏ học.
Bên
cạnh đó, chúng tôi đã chỉ đạo các hệ thống nhà trường, thống kê theo
dõi cụ thể những em có hoàn cảnh, có nguy cơ bỏ học cao để tác động ngay
từ đầu. Chính từ những giải pháp đồng bộ như vậy đã có giảm thiểu rất
lớn tình trạng bỏ học”./.
Theo VOVnews