Chưa tới mức trở thành vấn đề như ở Mỹ, nhưng phân biệt chủng tộc đang giống như mồi lửa âm ỉ ở Ca-na-đa từ sau cái chết của một người da màu bị cảnh sát nước này đánh đập ở thủ đô Ốt-ta-oa...
Sự cố mới nhất xảy ra tại thủ đô Ốt-ta-oa khi một người nhập cư Xô-ma-li có tên Áp-đi-ra-man Áp-đi (Abdirahman Abdi), 37 tuổi, bị các nhân viên cảnh sát đánh chết sau khi cố gắng bắt giữ anh này, theo lời kể của các nhân chứng với báo chí địa phương. Cái chết của người đàn ông da màu mắc bệnh thần kinh này đã làm dấy lên nhiều lời kêu gọi điều tra liệu có vấn đề phân biệt chủng tộc trong sự việc này hay không.
Đây không phải sự cố đầu tiên ở Ca-na-đa liên quan đến người da màu. Trước đó, đã có hai người da màu thiệt mạng trong tay cảnh sát Ca-na-đa trong hai vụ việc riêng rẽ. Hồi tháng 1, một cảnh sát ở Tô-rôn-tô bị buộc tội vì đã nổ súng bắn chết thanh niên 18 tuổi Xam-mi Y-a-tim (Sammy Yatim) trên chiếc xe điện vào năm 2013. Tuy nhiên, vụ việc phải sau rất nhiều tranh cãi mới được đưa ra xét xử. Một vụ khác xảy ra vào năm ngoái khi một cảnh sát ở Tô-rôn-tô đã bắn chết một người nhập cư Xu-đăng 45 tuổi là An-đru Lô-ku (Andrew Loku) có tiền sử bệnh tâm thần. Nhưng vụ việc gần như bị “chìm xuồng” khi không cáo buộc nào được đưa ra.
Nhưng vụ mới nhất liên quan đến nạn nhân A.Áp-đi đang được hy vọng sẽ không bị bỏ qua và thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Các nhóm vận động chống phân biệt chủng tộc ở Ca-na-đa gần đây đã lên tiếng mạnh mẽ hơn trước mối quan ngại về các vụ bạo lực của cảnh sát đối với các cộng đồng thiểu số ở nước này. Vụ của A.Áp-đi xảy ra trong bối cảnh phong trào “Black Lives Matter” (tạm dịch là “Người da màu đáng được sống”) đang đẩy mạnh các hoạt động ở Tô-rôn-tô, thành phố lớn nhất Ca-na-đa.
“Black Lives Matter” là phong trào xã hội có nguồn gốc từ Mỹ, nhằm phản đối tình trạng kỳ thị của cảnh sát với người da màu vốn nổi cộm ở quốc gia láng giềng của Ca-na-đa này. Việc phong trào này có một văn phòng chi nhánh ở Tô-rôn-tô đã phản ánh mối quan ngại về tệ phân biệt chủng tộc liên quan tới cảnh sát đang manh nha xuất hiện ở Ca-na-đa.
Người dân Ca-na-đa cũng đang dần có ý thức quan tâm hơn trước một vài vụ việc được cho là có màu sắc phân biệt chủng tộc xảy ra ở nước mình. Hồi trung tuần tháng 7 này, hơn 200 người ở Môn-trê-an (Kê-bếch) đã tham gia cuộc biểu tình của phong trào “Black Lives Matter” lên án một loạt vụ cảnh sát bắn người da màu tại Mỹ. Nhưng những người tham gia cuộc biểu tình cũng muốn bày tỏ sự lo lắng trước hiện tình ở Ca-na-đa liên quan tới các vụ bạo lực của cảnh sát với người da màu. Cuộc biểu tình này được tổ chức bởi nhóm “Twese” thúc đẩy hòa bình và hòa nhập ở Ca-na-đa. Một thành viên trong ban tổ chức cho biết, mục tiêu của cuộc biểu tình không chỉ nhằm bày tỏ sự đoàn kết với phong trào “Black Lives Matter” ở Mỹ mà còn nhằm nâng cao nhận thức của người dân Kê-bếch cũng như toàn Ca-na-đa về tình trạng kỳ thị chủng tộc. Trước đó, cũng trong tháng này, một cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra tại công viên Nen-xơn Man-đê-la trên đường Vích-to-ri-a với khoảng 300 người tham gia.
Đoạn video của một người chứng kiến quay hình ảnh người đàn ông nhập cư Xô-ma-li A.Áp-đi đáng thương đang bị thương rất nặng tuy không thu hút nhiều sự chú ý như các vụ tương tự ở Mỹ, nhưng thực sự đã làm thức tỉnh sự quan tâm của nhiều người dân nước này. Trong đoạn băng, A.Áp-đi mặc chiếc áo bê bết máu, mặt úp xuống đất với hai cánh tay bị bẻ quặt ra sau lưng, chiếc quần dài bị kéo xuống, trước khi các nhân viên y tế tới. Người hàng xóm của A.Áp-đi là Ni-mao A-li (Nimao Ali) cho biết, A.Áp-đi đã chết trước khi tới bệnh viện khoảng 45 phút.
Sự việc xảy ra khi cảnh sát ập tới vùng ngoại ô Hin-tơn-bớc của Ốt-ta-oa sau khi nhận được tin báo có ẩu đả tại một công ty ở địa phương này. Cảnh sát đã đuổi theo A.Áp-đi khi ấy đang cố gắng chạy trốn vào tòa nhà chung cư nơi anh ta cư ngụ cùng gia đình trên đường Hin-đa. Một nhân chứng cho báo chí biết, ông ta nhìn thấy cảnh sát đánh đập A.Áp-đi khi anh này đã nằm xuống đất đầu hàng.
Ông Na-ê-em Ma-lích (Naeem Malik), Chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo Ốt-ta-oa, tổ chức chi trả chi phí cho đám tang của A.Áp-đi cho biết, ông thường gặp A.Áp-đi và anh trai ở nhà thờ. Theo ông N.Ma-lích, A.Áp-đi không có ý thức để có thể làm được một số việc. Anh ta thường lẩm bẩm gì đó. “Tôi không biết liệu đó có phải là vấn đề về thần kinh hay có thể là vấn đề về ngôn ngữ”, ông N.Ma-lích nói thêm. Ngay trước đám tang A.Áp-đi, khoảng 200 người đã khẳng định sẽ tham gia cuộc biểu tình phản đối trên mạng xã hội facebook.
Trước sức ép của dư luận, cơ quan điều tra đặc biệt đã mở cuộc điều tra về vụ bắt giữ A.Áp-đi. Tuy nhiên, chưa thể biết vụ việc sẽ kết thúc như thế nào, bởi thực tế cho thấy các vụ việc tương tự xảy ra trước đó thường không dễ dàng để đưa ra xét xử. Trong khi đó, hiện chính quyền thành phố cũng như chính quyền liên bang chưa lên tiếng gì về vụ việc đau lòng này ngoài những lời chia sẻ bày tỏ đau lòng và lấy làm tiếc./.
Mai Nguyên (QĐND)