Chỉ trong vòng một tuần qua, tại Mỹ đã xảy ra liên tiếp 4 vụ xả súng đẫm máu khiến nhiều người thiệt mạng.
Tân Hoa xã dẫn thông tin từ kênh truyền hình FOX8 cho biết, một vụ xả súng đã xảy ra ở khu vực Lít-tờn Út thuộc bang Lu-i-di-a-na vào ngày 23-10 làm một người thiệt mạng và 5 người bị thương. Nguyên nhân vụ việc là do hai nhóm người cãi lộn với nhau và một người trong số này đã rút súng bắn. Cùng ngày, ở khu vực Xanh Rốt cũng tại bang Lu-i-di-a-na, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đã bị bắn vào ngực và bụng khi ngồi trong xe. Nghi can trong cả hai vụ xả súng trên vẫn chưa được xác định và công tác điều tra đang được tiến hành.
Trước đó, ngày 21/10, ít nhất 3 người thiệt mạng và 4 người bị thương khi một người đàn ông xả súng vào một hiệu spa ở thị trấn Brúc-phin thuộc bang Uyn-xcôn-xin, sau đó tên này đã tự sát. Điều tra ban đầu cho thấy, thủ phạm có vấn đề về tâm lý và có mâu thuẫn truớc đó với vợ là nhân viên của spa này. Ngày 18/10, một tay súng đã xả súng điên cuồng vào một cửa hiệu làm tóc ở hạt Xê-min-nôn thuộc bang Phlo-ri-đa làm ít nhất 3 người thiệt mạng và một người bị thương. Thủ phạm bỏ trốn khỏi hiện trường và sau đó tự sát tại nhà riêng.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Mỹ chứng kiến những cảnh tượng bắn giết nơi công cộng như thế. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ xả súng tương tự xảy ra. Súng đạn dường như đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với mỗi người dân Mỹ. Đã không ít lần, nước Mỹ làm lễ tưởng niệm, phân tích động cơ phạm tội của hung thủ và tranh luận về việc kiểm soát súng. Tuy nhiên, tình hình dường như vẫn không được cải thiện, mức độ bạo lực và tần suất ngày càng gia tăng.
Một nghịch lý nữa là sau mỗi lần xảy ra các vụ xả súng, số lượng súng bán ra lại tăng mạnh. Thông tin từ kênh truyền hình Fox News cho biết, số lượng súng đạn bán ra ngày càng tăng trên khắp nước Mỹ. Hãng sản xuất súng Sturm, Ruger & Co. đã phải ngưng nhận đặt hàng sau khi nhận được số lượng đặt mua tới hơn một triệu khẩu súng trong 3 tháng đầu năm 2012. Theo số liệu của Hiệp hội các môn thể thao bắn súng quốc gia (NSSF), chỉ tính riêng trong năm 2011, gần 11 triệu khẩu súng đã được bán ra ở Mỹ. Nhiều nhà quan sát cho rằng, năm nay số súng bán ra sẽ còn nhiều hơn vì tình trạng bắn giết bừa bãi gia tăng. Kết quả thống kê của Trung tâm Phòng, chống và kiểm soát bệnh tật của Mỹ cho thấy, tính tới trung tuần tháng 7, tổng số người chết trong các vụ tấn công giết người mà cơ quan này thụ lý là 16.799 người, trong đó có tới 11.493 nạn nhân chết do súng đạn.
Mặc dù Hiến pháp Mỹ cho phép người dân được quyền sở hữu súng, thế nhưng xét trong bối cảnh tình hình bạo lực do súng đạn không ngừng leo thang như vậy, lẽ ra người dân Mỹ phải có một cách nhìn nhận khác đối với vấn đề sở hữu súng. Tuy nhiên, dường như không có nhiều chuyển biến trong thái độ của người dân xứ cờ hoa. Theo một cuộc điều tra mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong số những người được hỏi, có 47% ủng hộ việc kiểm soát súng chặt chẽ trong khi 46% cho rằng, bảo vệ quyền sử dụng súng là điều quan trọng hơn. So với cuộc nghiên cứu cũng do Pew tiến hành trong tháng 4, các con số này lần lượt là 49% và 45%.
Cũng liên quan đến thực trạng bạo lực do súng đạn tại Mỹ, tờ Times của Anh đã bình luận: “Chỉ có những cái tên và những con số là thay đổi. Chúng tôi muốn biết tại sao người Mỹ tiếp tục dung túng các đạo luật về sở hữu súng và một nền văn hóa khiến cho hàng nghìn người vô tội phải chết mỗi năm, trong khi những quy định nghiêm ngặt hơn, như áp dụng tại các nước châu Âu, đã có thể làm giảm con số này?”. Trong khi đó, nhật báo Le Monde của Pháp thì nhận xét, các vụ xả súng là một vết đen cho hình ảnh của nước Mỹ: “Sẽ là bất công và sai lầm khi hình ảnh của nước Mỹ là những trận cuồng sát của vài cá nhân đơn lẻ. Nhưng những vụ như vậy hiếm khi xảy ra ở những nước khác và làm xấu đi “giấc mơ Mỹ”".
Những vụ xả súng vẫn luôn làm nóng cuộc tranh cãi về việc kiểm soát súng tại Mỹ. Tất nhiên, cả hai phe chống và ủng hộ sở hữu súng cá nhân đều có những lập luận riêng của mình. Phe chống thì cho rằng, cần phải cấm bán súng vì chúng quá nguy hiểm đối với cộng đồng. Trong khi đó, phe ủng hộ lại viện cớ tình hình quá bất ổn, buộc mọi người phải mua súng để tự bảo vệ và việc cấm mua súng là xâm phạm các quyền tự do cơ bản của người dân. Ngay cả bản thân Tổng thống Ô-ba-ma (Barack Obama) cũng khó đưa ra được quyết định gì liên quan đến kiểm soát súng trong giai đoạn hiện nay. Lý do là trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Ô-ba-ma chắc chắn không thể để mất sự ủng hộ của các cử tri ở các bang như Ô-hai-ô, Pen-xin-va-ni-a hay Vơ-gi-ni-a, nơi có đông cử tri ủng hộ quyền sở hữu súng cá nhân. Thêm vào đó, các nhà sản xuất và kinh doanh súng từ trước tới nay vốn vẫn có tiếng là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” lại có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với giới chính khách Mỹ.
Cuộc tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ và không biết đến khi nào sẽ có hồi kết. Vì vậy, chừng nào nước Mỹ chưa đi đến thống nhất về một đạo luật kiểm soát vũ khí thì chừng ấy, nhiều người dân nước này sẽ còn tiếp tục phải trả giá bằng sinh mạng của chính mình./.
(Lâm Toàn/QĐND)