Nông dân vẫn đứng ngoài cuộc và không mặn mà tham gia liên kết với doanh nghiệp, chấp nhận duy trì lối canh tác truyền thống có nhiều rủi ro.
Các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông sản giữa người dân với doanh nghiệp tại Đà Lạt – Lâm Đồng đã chứng minh được thế mạnh của mình trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế và thương hiệu, giúp nông dân thoát khỏi tình trạng “được mùa mất giá”, đầu ra bấp bênh và thu nhập không ổn định. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là vì sao đến nay việc liên kết này vẫn còn bó hẹp, nông dân đứng ngoài cuộc và không mặn mà tham gia, chấp nhận duy trì lối canh tác truyền thống có nhiều rủi ro?!
Tất bật vun xới mảnh vườn thành những con luống nhỏ để tranh thủ trồng cho xong vụ rau xà lách ngay trong ngày, ông Nguyễn Viết Bột, một lão nông ở phường 7, thành phố Đà Lạt chua chát kể, liên tiếp 2 vụ rau vừa qua gia đình thua lỗ nặng nề. Vụ trước thì bị dịch bệnh làm cho chết rụi, vụ sau thì phải bán tháo với giá rẻ như cho. Dù có thâm niên hơn 40 năm trồng rau ở xứ này, nhưng với ông Bột, mỗi một vụ rau bây giờ là một canh bạc.
“Bấp bênh lắm, giống như đánh bạc vậy, may rủi, như đợt trước tôi chăm bón tốt, thu hoạch trước, còn hộ bên cạnh họ chăm bón kém hơn thì rốt cuộc họ lại được giá. Tôi gặp giá rẻ mà họ lại gặp giá cao hơn. Mình chỉ phải làm sao cho thật tốt thì được, còn điều chỉnh giá, loại nào trồng nhiều loại nào trồng ít thì mình chịu”, ông Bột chia sẻ.
Dù thấm thía cảnh trồng rau như đánh bạc, nhưng không nhiều nông dân ở Đà Lạt mặn mà với chuyện liên kết cùng doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Khánh, Chủ tịch Hội nông dân phường 8, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), sở dĩ doanh nghiệp và nông dân khó tìm được tiếng nói chung là vì ai trong số họ cũng muốn đẩy phần rủi ro cho đối tác, không sòng phẳng chia sẻ cả khó khăn và cả lợi ích. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do thói quen tự do, có phần tùy tiện của nông dân khó đáp ứng đủ điều kiện để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao theo các đơn hàng.
“Vấn đề liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn thì hiện gặp rất nhiều khó khăn, một phần do doanh nghiệp khi bao tiêu sản phẩm thì không chịu thực hiện theo đúng hợp đồng, một phần cũng do bà con nông dân khi mà được giá thì không cung cấp sản phẩm mà tuồn ra ngoài. Mặt khác, nông dân không đủ kinh tế để đầu tư, không đủ điều kiện làm đúng chất lượng theo doanh nghiệp yêu cầu. Vì vậy họ vẫn sản xuất theo lối truyền thống và làm theo mùa”, ông Khánh cho biết.
Ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty TNHH LangBiang Farm Đà Lạt cho rằng, hiện đã có rất nhiều cơ chế ưu đãi dành cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thị trường cũng đã rộng mở và có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, mấu chốt để các liên kết có thể mở rộng và thành công là vốn đầu tư hiện vẫn chưa tìm được lối ra. Bởi liên kết sản xuất nông nghiệp phải hướng tới phân khúc hàng hóa chất lượng cao, cần đầu tư bài bản với số tiền rất lớn. Điều này vẫn ngoài sức của đa số nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp.
“Công nghệ chúng tôi có thể mua được, lao động chúng tôi có thể đào tạo được nhưng phải có đầu tư và đầu tư đúng mức thì mới tạo ra được sản phẩm đạt chất lượng. Bởi nếu không đầu tư đúng mức thì sẽ vẫn ở bài toán lẩn quẩn như ngày xưa, vẫn luôn là những sản phẩm tiêu thụ mang tính nhỏ nhoi”, ông Đường cho hay.
Lâm Đồng hiện có 125 chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp, với sự tham gia của 80 doanh nghiệp, 80 hợp tác xã và 13.000 hộ nông dân, trong đó có 68 chuỗi liên kết sản xuất được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận chất lượng. Mặc dù các sản phẩm nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết đã chinh phục các thị trường cao cấp, nâng cao uy tín thương hiệu, đảm bảo hiệu quả kinh tế khi tăng giá trị lên ít nhất 20% so với làm nông nghiệp tự do, song đến nay việc liên kết sản xuất các sản phẩm nông sản của Đà Lạt – Lâm Đồng vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Cụ thể, sản phẩm chè búp tươi tiêu thụ qua liên kết chỉ đạt 17% trên tổng sản lượng, cà phê 10%, rau-củ-quả hơn 8%, hoa cắt cành 1,7% và trái cây các loại tiêu thụ qua liên kết cũng chỉ đạt 2,7% trên tổng sản lượng…
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, sự hạn chế trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không chỉ khiến đầu ra sản phẩm nông sản không ổn định, thu nhập của người dân bấp bênh mà còn tạo điều kiện cho tình trạng gian lận thương mại, mạo danh nông sản của Đà Lạt – Lâm Đồng. Vì vậy, tỉnh đang tăng cường hỗ trợ các mô hình liên kết, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Kiếm được 5 đến 10% trong sản xuất nông nghiệp khó lắm nhưng chỉ cần liên kết sản xuất là chúng ta sẽ đạt được. Vì vậy, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành chức năng, các địa phương phải tiếp tục chỉ đạo để liên kết trong thời gian tới sao cho tương xứng. Quyết tâm rau củ quả liên kết đạt trên 20%, cà phê liên kết phải lên 30%, chè liên kết đạt 30%, và hoa từ 1,7% liên kết lên 10%”, ông Phạm S nhấn mạnh.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 98 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Một khi chính sách này được triển khai sâu rộng, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành hữu quan, hy vọng những rào cản, bế tắc trong thúc đẩy các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản của Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ được khắc phục triệt để, đưa thế mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của địa phương này phát triển mạnh mẽ hơn./.
Theo VOV.VN