Tốc độ tăng trưởng đạt 3-3,2%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,5 - 4,6%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 16 tỷ USD... là những chỉ tiêu tăng trưởng chính của ngành nông nghiệp trong năm 2010.
Qua năm 2009 - năm được coi là thành công đối với ngành nông nghiệp, bước sang năm 2010 với thế đà tương đối thuận lợi của một lĩnh vực đã được khẳng định vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế trong suy giảm, ngành nông nghiệp đang hướng tới mục tiêu bứt phá nhằm phát triển ổn định, bền vững.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn cả về khách quan và chủ quan đã được nhận diện ngay từ đầu năm và để vượt qua, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang rất cần những sự thay đổi.
Nhận diện khó khănXuất khẩu nông, lâm sản - một trong những thế mạnh định vị vai trò nền tảng của nông nghiệp trong nền kinh tế đất nước trong năm 2010 được nhiều chuyên gia nhận định sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự phục hồi nên vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Sản xuất nông nghiệp lại là ngành phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh mà theo dự báo biến đổi khí hậu sẽ ngày càng tác động tiêu cực đến các quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng mà Việt Nam đã được dự báo là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong khi các biện pháp bảo vệ, phòng chống thiên tai còn rất bị động, hệ thống bảo hiểm rủi ro cho nông dân chưa được triển khai đồng bộ.
Thực tế cho đến thời điểm này, vụ đông xuân - vụ sản xuất chính trong năm ở miền Bắc đang “treo” trước tình trạng sông Hồng cạn kiệt, khô hạn trên diện rộng. Miền Nam cũng đang đối mặt với nắng nóng gay gắt, tình trạng nhiễm mặn, xâm nhập mặn gia tăng ở nhiều địa phương khiến cho sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ngành chăn nuôi đang lo ngại tình trạng dịch bệnh chưa thực sự được kiểm soát hoàn toàn và giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang trên đà “phi mã”.
Nhiều yếu tố đầu vào khác trong sản xuất nông nghiệp cũng không ngừng tăng lên và theo dự báo tới đây mức tăng sẽ càng lớn, cộng thêm chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam cũng là lý do khiến cho giá thành sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị đẩy lên, hiệu quả sản xuất thấp đi và tính cạnh tranh của sản phẩm càng trở nên bấp bênh.
Bên cạnh đó, một vấn đề lớn mà không ngành hàng xuất khẩu nào không lo ngại trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, các quốc gia, thị trường đều tìm cách áp dụng những quy định về hàng rào thuế quan cũng như chính sách bảo hộ phi thuế quan để giới hạn với các sản phẩm nhập ngoại.
Trong khi đó, hàng nông sản Việt Nam vẫn dang trong tình trạng thiếu lợi thế cạnh tranh do những hạn chế trong năng lực sản xuất, chế biến và tạo dựng thương hiệu uy tín của từng mặt hàng cụ thể.
Năm 2010, thuế suất thuế nhập khẩu nông sản sẽ giảm dần theo lộ trình mở cửa theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khi đó, nhiều mặt hàng nông sản ngoại nhập sẽ chiếm lĩnh thị trường, trong khi sự bảo hộ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là với nông sản xuất khẩu, ngày càng giảm.
Với từng ngành hàng, những khó khăn cũng được phân tích nhằm đưa ra những chiến lược cụ thể. Gạo - mặt hàng đang được cho là có nhiều yếu tố thuận lợi về thị trường trong năm 2010 với nhu cầu lương thực tăng cao và khả năng sản xuất hạn chế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, thực tế thị trường gạo luôn là một trong những thị trường nhiều biến động nhất, trong khi năng lực điều hành, khả năng nắm bắt thời cơ của chúng ta vẫn còn hạn chế và sức cạnh tranh so với gạo của Thái Lan vẫn luôn là bài toán chưa được giải.
Năm 2010, thủy sản cũng là ngành chịu tác động lớn nhất đối với các quy định của WTO, đặc biệt là đối với cá da trơn. Đối với sản phẩm khai thác, Hiệp định chống đánh bắt trái phép (IUU) của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực song việc thực thi vẫn còn không ít lúng túng và không tránh khỏi việc ảnh hưởng tới các đơn đặt hàng từ thị trường này.
Đối với ngành lâm nghiệp, mặc dù tin tưởng rằng trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ có thể đạt mốc 3 tỷ USD, nhưng ngành gỗ vẫn không khỏi lo lắng vì theo cam kết WTO, năm 2010 thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng gỗ của các nước khi vào Việt Nam chỉ còn từ 0-3%, trong khi các doanh nghiệp trong nước khi xuất khẩu hàng lại phải chịu mức thuế là 10%.
Cũng từ 2010, Luật Thuế tài nguyên sẽ có hiệu lực với mức thuế cho gỗ tùy theo từng chủng loại là từ 10-40%, đồng thời năm nay, khi xuất khẩu đồ gỗ vào hai thị trường lớn là Mỹ và EU, các doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận về nguồn gốc đối với gỗ đã sử dụng.
Thay đổi tập quán sản xuấtTriển khai nhiệm vụ trong năm 2010, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, mục tiêu của toàn ngành năm 2010 sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững sản xuất nông nghiệp, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, góp phần tích cực vào ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội cho khu vực nông thôn và nông dân.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh sản xuất nhằm khôi phục đà tăng trưởng, góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt sản lượng cả năm khoảng 39 triệu tấn thóc, mở rộng diện tích cao su 20.000ha nhằm đạt chỉ tiêu quy hoạch 700.000ha năm 2010, đồng thời đẩy mạnh sản xuất rau, hoa quả đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đối với ngành chăn nuôi, tiếp tục khuyến khích chăn nuôi theo hướng tập trung, hình thức trang trại nuôi công nghiệp, gắn với cơ sở chế biến tập trung và xử lý chất thải nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8-9%.
Ngành thủy sản cũng phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản 4,8 triệu tấn, trong đó khai thác hải sản 2,2 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản 2,6 triệu tấn nhằm hướng tới giá trị sản xuất thủy sản tăng 7%, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 11% so với năm 2009.
Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách cho khu vực “tam nông” nhằm tạo thế và đà cho nông nghiệp tiếp tục bứt phá trong năm nay.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mặc dù đã có những chuyển biến căn bản, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Đặc tính cố hữu này dẫn đến nhiều hạn chế khiến không chỉ khó cơ giới hóa, năng suất thấp, giá thành cao mà nông dân còn thiệt thòi về nhiều mặt, như các ngân hàng, tổ chức khuyến nông rất khó đưa dịch vụ tới từng hộ nhỏ lẻ.
Điểm yếu trong sản xuất cũng khiến cho trong khâu lưu thông, xuất khẩu, nông sản Việt Nam vẫn bị hạn chế trong khâu chế biến và tạo dựng thương hiệu. Do đó, vấn đề lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất chuyên nghiệp hơn, nếu không nông dân sẽ ngày càng cách xa thị trường./.
Phạm Thanh Hương (Vietnam+)