Việt Nam hiện đang sử dụng nguồn điện năng với hiệu quả thấp. Muốn có 1% tăng trưởng GDP hàng năm, phải tăng điện năng lên khoảng 2%, trong khi các nước đang phát triển khác chỉ tăng gần 1,5%
Năm 2009 ghi nhận những mốc quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, đó là việc khánh thành, đi vào vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, sản xuất mẻ xăng dầu thương phẩm đầu tiên tại Việt Nam hồi đầu năm. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua chủ trương xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Lai châu - Nhà máy thủy điện lớn cuối cùng trong quy hoạch phát triển thủy điện và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đây là một trong 10 sự kiện Việt Nam nổi bật năm 2009 được nhiều phương tiện thông tin đại chúng - trong đó có Đài TNVN bình chọn. Có thể thấy rằng, bảo đảm năng lượng cho phát triển và sử dụng năng lượng hiệu quả là giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngày 22/2/2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã sản xuất thành công mẻ xăng, dầu đầu tiên, được chế biến từ nguồn dầu thô của đất nước, đánh dấu bước khởi đầu phát triển của ngành lọc hóa dầu Việt Nam. Ngày 3/12/2009, Nhà máy đã xuất bán tấn sản phẩm thứ 1 triệu ra thị trường. Các sản phẩm khí hóa lỏng LPG, xăng, dầu hỏa, dầu nhiên liệu động cơ và dầu nhiên liệu đốt lò của nhà máy đều đạt tiêu chuẩn chất lượng theo thiết kế.
Cùng với sự kiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, tổng công suất trên 4.000MW; tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỉ đồng; theo kế hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khởi công vào năm 2014, tổ máy đầu tiên được đưa vào vận hành vào năm 2020. Dự án nhà máy thuỷ điện Lai Châu, được xây dựng tại khu vực xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè; công suất lắp máy 1.200MW; tổng mức dự tính đầu tư 32.600 tỉ đồng; sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016, hoàn thành công trình vào năm 2017.
Những dự án trên cho thấy, cùng với sự dần chủ động về nguồn nhiên liệu xăng dầu trong nước, các dự án nguồn điện quan trọng sẽ được triển khai, đáp ứng cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong vài thập kỷ tới. Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải tận dụng các nguồn năng lượng hiện có và tương lai sẽ có, như điện hạt nhân, sao cho hiệu quả.
Trong lĩnh vực điện năng, tính toán của các chuyên gia năng lượng cho thấy, trong thời kỳ này, yêu cầu về mức tăng sản lượng điện hàng năm cao hơn từ 1,7-2 lần tốc độ tăng GDP. Theo thuật ngữ chuyên ngành, các con số 1,7 hay 2 này được gọi là hệ số đàn hồi. Cũng như hệ số ICOR, thể hiện hiệu quả đồng vốn đầu tư của nền kinh tế, hệ số đàn hồi trong lĩnh vực năng lượng cho thấy mức độ sử dụng năng lượng trong một nền kinh tế có hiệu quả hay không.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, Việt Nam hiện đang sử dụng nguồn điện năng với hiệu quả thấp, sản xuất chi phí cao. Muốn có 1% tăng trưởng GDP hàng năm, phải tăng điện năng lên khoảng 2%, trong khi các nước đang phát triển khác chỉ tăng chưa đầy 1,5%, thậm chí còn ít hơn. Đơn cử như Ấn Độ, một nước tăng trưởng kinh tế rất nhanh trong thời gian trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008, hệ số đàn hồi chỉ có 0,78%. Ở các nền kinh tế tiên tiến, con số này còn thấp hơn nữa, dưới 0,5%.
Hệ số đàn hồi cao phản ánh việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả. Từ sản xuất điện năng đến truyền tải tổn thất còn cao; Các ngành sản xuất sử dụng dây chuyền, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn điện năng, nhiên liệu; Quy hoạch các ngành công nghiệp mất cân đối, như việc phát triển tràn lan các dự án thép - tiêu tốn rất nhiều điện năng - đe dọa mất an toàn hệ thống khi nguồn chưa đáp ứng...
Do đó, đã đến lúc phải quyết liệt trong việc khắc phục những hạn chế của ngành điện. Phải tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí để tiết kiệm chi tiêu; có các biện pháp hiệu quả giảm tổn thất điện năng trong tất cả các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối, giảm giá thành sản xuất điện… Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, sử dụng những thiết bị tiêu hao ít nhiên liệu, điện năng. Còn nhìn rộng hơn, phải có sự điều chỉnh, bổ sung vào chiến lược phát triển ngành điện gắn kết với quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp khác thì mới hạ thấp được hệ số sử dụng điện cho tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm tài nguyên quốc gia trong định hướng phát triển bền vững.
Có như vậy, những đồng vốn bỏ ra hôm nay để phát triển nguồn năng lượng cho nền kinh tế quốc dân như các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Nhà máy Thủy điện Lai Châu mới phát huy hiệu quả trong tương lai. Để làm được điều đó, ngay khi những ki-lô-oát giờ điện đầu tiên của các nhà máy này hòa vào lưới điện quốc gia cũng cần phải được sử dụng hiệu quả./.
Theo VOVnews