Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 22/5/2012 20:36'(GMT+7)

Nóng ở tính khả thi và các biện pháp thực hiện luật

 

Phó chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp. Trong phiên thảo luận sáng nay, 30 đại biểu đã có ý kiến về Dự thảo luật phòng chống tác hại thuốc lá.

Một vấn đề được các đại biểu bàn luận khá sôi nổi là việc thành lập quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Theo dự thảo, có hai phương án để lập quỹ. Phương án thứ nhất là hàng năm ngân sách cấp một khoản kinh phí tối đa bằng 2 % tổng số tiền thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Kết hợp với nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, cùng những nguồn thu khác.

Phương án thứ hai chủ yếu là từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2% và được thu cùng với thu thuế tiêu thụ đặc biệt do doanh nghiệp tự khai tự nộp vào tài khoản của Quỹ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: "Nên thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Ảnh: PQ


Một số đại biểu cho rằng không nên lập quỹ. Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), cho rằng không nên lập quỹ vì việc quản lý quỹ sẽ phát sinh nhiều yếu tố, liệu có đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả không. Vì nếu có quỹ thì quỹ này hoạt động ngoài ngân sách – như vậy là không phù hợp với xu thế, với hiến pháp và luật Phí và lệ Phí. Bà Kim Chi kiến nghị, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, trích từ quỹ này để tăng ngân sách về hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá… Bà Kim Chi cũng cho rằng không nên thành lập quỹ để hạn chế những quỹ tương tự.

Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm hạn chế sự "bùng nổ" các quỹ ngoài ngân sách, có đại biểu cho rằng, nếu có thì cũng nên gọi là “quỹ vì sức khỏe cộng động” để sau này có thể tập trung cả quỹ phòng chống tác hại rượu bia, quỹ phòng chống tác hại môi trường…

Trước những ý kiến về việc không nên thành lập quỹ, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã mời đại biểu tỉnh Bình Định – Vương Đình Huệ phát biểu và cũng đề nghị đại biểu Huệ phát biểu thêm với tư cách bộ trưởng Bộ Tài Chính về việc tính hợp phát của quỹ này và làm sáng tỏ thêm về quy định quản lý, điều hành quỹ.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ cho rằng: “Phòng chống tác hại thuốc lá không hoàn toàn là trách nhiệm của nhà nước. Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách sẽ bị hạn chế, và khó vận dụng bởi cơ chế. Việc sử dụng ngân sách tốn kém mà lại hiệu quả không cao, khó có thể tạo sự bứt phá cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt, trong khi lợi nhuận từ thuốc lá khá cao, nên rất cần sự xã hội hóa trong lĩnh vực này”. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc lập quỹ như thế là hợp lý", ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng đồng tình khoản đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp vào quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá như một hình thức bồi hoàn cho xã hội. Những khoản đóng góp này nằm ngoài trách nhiệm nộp thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt mà các doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá phải nộp. Bộ trưởng cũng góp ý nên đặt tên của quỹ là “Quỹ phòng chống thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng”.

Ngoài các vấn đề trên, các địa biểu còn đề nghị sớm có nghị định về vấn đề này để Luật ban hành là có thể đi vào cuộc sống ngay. Các ý kiến của đại biểu quốc hội cũng yêu cầu làm rõ về thuật ngữ trong Luật. Ví dụ: “Người đứng đầu” là thế nào, cần thay “hút thuốc lá” bằng “sử dụng thuốc lá”…

Không được hút thuốc lá ở đâu?

Về nơi cấm hút thuốc lá, các đại biểu đều đưa ra quan điểm: Đã quy định thì phải có tính khả thi.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu: “Chúng ta đã có quy định nơi công cộng là như thế nào. Thế nên, không nên quy định quá cụ thể. Ví dụ như không nên quy định cấm hút thuốc lá ở trường phổ thông, nhưng ở trường đại học lại chỉ cấm ở khu vực nhất định. Tôi nghĩ nên quy định đã là trường học là phải cấm”.

Về địa điểm cấm hút thuốc lá được quy định tại điều 12 Dự luật, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), cho rằng như thế là chưa đủ. Cần quy định cả nơi nuôi dưỡng, chăm sóc người già cũng không được phép hút thuốc lá. Thậm chí, đại biểu Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh: Không chỉ nơi vui chơi, chăm sóc, cả khu giải trí, thể thao của người già và trẻ em, những tụ điểm văn hóa cũng phải cấm hút thuốc. Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) đưa ra ý kiến: "Các cơ sở y tế, giáo dục phải cấm hút thuốc".

Quy định việc hút thuốc trong nhà hàng, khách sạn phải có khu vực riêng được các vị đại biểu cho rằng khó khả thi. Bởi đây là nơi tập trung nhiều đối tượng. “Tôi không thể mời bạn tôi đi ăn, đến nơi lại bảo bạn tôi ngồi riêng một chỗ, tôi ngồi riêng một chỗ”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói. Hơn nữa, theo đại biểu Cương, do điều kiện của các nhà hàng, khách sạn hiện nay của Việt Nam, điều kiện mặt bằng kinh doanh còn hạn chế, nên việc bắt buộc bố trí khu vực hút thuốc riêng cũng gây hạn chế trong kinh doanh của các đơn vị.

Bên cạnh quy định cấm hút thuốc, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm về nghĩa vụ của người hút thuốc được quy định trong điều 13 dự thảo luật. Cụ thể là người hút thuốc không chỉ không được hút khi trong nhà có trẻ em, người già, phụ nữ có thai, mà còn không được hút khi có người bị bệnh. Có đại biểu còn kiên quyết hơn khi đề nghị người hút thuốc phải không được hút thuốc khi trong nhà có người… không hút thuốc.

Xử phạt thế nào, lực lượng nào đảm trách?

Dự thảo luật đưa ra khá nhiều các quy định về việc cấm hút thuốc. Nhưng điều khiến các đại biểu băn khoăn là tính khả thi của luật khi những biện pháp, chế tài xử lý hành vi vi phạm chưa được quy định rõ. Đặc biệt là vấn đề ai, cơ quan nào sẽ có trách nhiệm xử lý vi phạm.

“Có một lực lượng riêng, mặc sắc phục riêng để xử lý người vi phạm hay không? Chắc chắn là không thể có. Như vậy, chúng ta càng phải quy định rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn để luật được thực thi”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói. Theo ông, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những nơi cấm hút thuốc, những người này sẽ có thẩm quyền xử phạt những người vi phạm.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) chia sẻ: “Vấn đề xử lý vi phạm, ngăn chặn vi phạm là băn khoăn lớn nhất trong cả quá trình tiếp xúc cử tri. Từ thực tế cho việc xử lý vi phạm cần phải giao cho một số cơ quan, một số người có trách nhiệm. Ví dụ như thanh tra y tế, lực lượng quản lý thị trường…”. Ông đặt giả thiết: “Các thủ trưởng hút thuốc thì nhân viên có được xử phạt không?”. Đại biểu Lê Nam cũng cho rằng cần gắn trách nhiệm của Hội phụ nữ, đoàn thanh niên vào việc phòng chống thuốc lá.

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị) cũng đặt câu hỏi: Ai phạt, phạt thế nào, tiền nộp ở đâu, biên lai thế nào?.

Trong buổi chiều nay, Quốc hội sẽ làm việc về dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất