Với dân số 1,26 tỷ người, Ấn Độ là thị trường lớn và có nhiều tiềm năng để các mặt hàng nông sản của Việt Nam như chè, càphê và thanh long, rau quả và thủy sản xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Ngày 29/9, hội thảo “Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam-Ấn Độ,” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) phối hợp tổ chức, đã diễn ra tại thủ đô của Ấn Độ.
Tại hội thảo, đại diện của các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu khái quát về hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các ngành hàng càphê, chè và thanh long Việt Nam.
Với dân số 1,26 tỷ người, Ấn Độ là thị trường lớn và có nhiều tiềm năng để các mặt hàng nông sản của Việt Nam như chè, càphê và thanh long, rau quả và thủy sản xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Trên thực tế, các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là thủy sản đã vào được các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ và Hàn Quốc, do đó tiềm năng và triển vọng cho các mặt hàng này thâm nhập vào thị trường Ấn Độ là rất lớn.
Cuộc hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến thương mại năm 2015, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương Việt Nam phối hợp tổ chức.
Chủ tịch FIEO S.C Rathan, Cố vấn kinh tế Bộ các ngành chế biến thực phẩm Rajiv Mishra, đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, cùng đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự cuộc hội thảo.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, Chủ tịch FIEO Ralhan khẳng định Việt Nam là một đối tác khu vực quan trọng của Ấn Độ tại Đông Nam Á, với quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước không ngừng gia tăng trong những năm qua.
Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Đông Á, tổ chức Hợp tác Mekong-Sông Hằng, Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM), Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 1990-2010.
Dân số trẻ, tăng trưởng mạnh và nền kinh tế năng động đã giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài. Chủ tịch FIEO Rathan cũng bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ những doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Ấn Độ.
Về phần mình, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống lâu đời; thị trường Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại song phương, đa phương với các đối tác thương mại quốc tế.
Các cơ quan quản lý của Việt Nam luôn nỗ lực phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ và với khả năng của mình, các doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo cung cấp hàng hóa với số lượng và chất lượng tốt, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Ấn Độ.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám bày tỏ hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước của Ấn Độ, FIEO và Bộ Công thương Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp hai bên nhằm thúc đẩy thương mại nông sản nói chung, thương mại càphê, chè, thanh long nói riêng giữa hai bên ổn định và phát triển hơn nữa.
Đại sứ Tôn Sinh Thành cũng nhấn mạnh Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ khăng khít về nhiều mặt, có sự phát triển mạnh mẽ về thương mại, đầu tư và kinh tế song chưa được như kỳ vọng. Hai nước có thế mạnh về nông nghiệp và nếu hai bên hợp tác hỗ trợ nhau cùng phát triển thì sẽ rất có lợi.
Đại sứ đề nghị chính phủ hai nước cần sớm có chương trình hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp hai nước cần đẩy mạnh giao lưu, hợp tác hơn để tìm kiếm cơ hội hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai phía./.
Theo TTXVN