“Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Công đoàn Bình Dương thông
qua mạng xã hội” là sáng kiến mà Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương Trương
Thị Bích Hạnh áp dụng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó đưa ra giải
pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Nữ thủ lĩnh Công đoàn tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh vừa vinh
dự được trao giải Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất. Đây là giải thưởng cao
quý của Tổng LĐLĐ Việt Nam dành cho những cán bộ công đoàn có nhiều sáng
kiến, sáng tạo, giải pháp đổi mới trong hoạt động công đoàn.
Qua nhiều năm sâu sát với hoạt động Công đoàn, Chủ tịch LĐLD tỉnh Trương Thị Bích
Hạnh nhận thấy, một tỷ lệ lớn công nhân lao động trẻ ở Bình Dương sống
xa gia đình; thời gian và cường độ làm việc luôn ở mức cao; không có
điều kiện thường xuyên tham gia các hoạt động hưởng thụ văn hóa tinh
thần, giải trí lành mạnh. Vì vậy, không gian mạng được nhiều người lao
động coi là kênh tìm hiểu thông tin và giải trí thường xuyên. Trong khi
đó, trên không gian mạng có rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng,
thậm chí là độc hại, xuyên tạc, phản động, tác động xấu đến tư tưởng,
nhận thức của người lao động. Từ thực thế đó, các cấp Công đoàn tỉnh
Bình Dương đã tập trung chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo
dục, tận dụng lợi thế của việc truyên truyền qua không gian mạng, phù
hợp với đặc điểm làm việc, sinh hoạt, nhu cầu của đoàn viên, người lao
động. Từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, đưa ra giải
pháp bảo đảm quyền lợi đoàn viên, người lao động.
Chủ tịch Trương Thị Bích Hạnh đã có sáng kiến “Đổi mới công tác thông
tin, tuyên truyền của Công đoàn Bình Dương thông qua mạng xã hội”. Bà
Trương Thị Bích Hạnh cho biết: “Qua việc thành lập các nhóm nội bộ trên
mạng xã hội Zalo, Facebook… trong hệ thống Công đoàn Bình Dương, các
hoạt động thông tin, tuyên truyền chính thống của tổ chức Công đoàn đã
đến với cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động một cách nhanh chóng, kịp
thời. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Liên đoàn Lao động
tỉnh cũng nhanh chóng được đoàn viên nắm rõ. Hiệu quả mang lại là số
lượng đoàn viên, công nhân lao động tiếp cận ngày càng nhiều hơn với các
hoạt động của tổ chức Công đoàn”. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 700 trang
mạng xã hội liên kết của Công đoàn để thực hiện công tác tuyên truyền
trong hệ thống công đoàn tỉnh.
Bên cạnh việc chăm lo cho đời sống tinh thần của người lao động, Chủ
tịch Trương Thị Bích Hạnh cũng xây dựng Đề án tổng thể “Đổi mới tổ chức,
nội dung và phương thức hoạt động công đoàn tỉnh Bình Dương trong tình
hình mới”. Đề án này đã củng cố và phát triển tổ chức Công đoàn cơ sở
tại doanh nghiệp, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, xây dựng mối
quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, góp phần
phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh. LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã xây
dựng các đề án thành phần như: thành lập “Quỹ hỗ trợ công nhân lao động
có hoàn cảnh khó khăn” và “Quỹ bảo vệ cán bộ công đoàn”; Đề án “Chăm lo
đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động” và nhiều mô
hình, kế hoạch thí điểm… Những Đề án này được tập trung thực hiện trong
năm 2019 và được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá nhằm đổi mới và nâng cao
chất lượng hoạt động công đoàn tỉnh Bình Dương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
trong tình hình mới.
Bà Trương Thị Bích Hạnh cũng cho biết, LĐLĐ Bình Dương đang tập trung
thực hiện có hiệu quả chủ đề “Năm vì lợi ích đoàn viên” như: Kê khai,
cập nhật thông tin quản lý đoàn viên trên phần mềm quản lý đoàn viên,
gắn thẻ đoàn viên với chương trình phúc lợi đoàn viên; tìm kiếm, phối
hợp đối tác nâng cao hiệu quả các thỏa thuận hợp tác trong chương trình
phúc lợi đoàn viên; xây dựng các mô hình thiết thực thực hiện “Mỗi công
đoàn cơ sở - một lợi ích đoàn viên”.
Một sáng kiến tiêu biểu khác được Chủ tịch Trương Thị Bích Hạnh triển
khai thực hiện là thành lập Đường dây nóng về quan hệ lao động của tổ
chức Công đoàn Bình Dương. Sau khi đi vào hoạt động, Đường dây nóng đã
tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của người lao động. Các thông tin cần
hỗ trợ, tư vấn pháp luật đã được các bộ trực Đường dây nóng hướng dẫn,
chuyển thông tin về cho Trung tâm Tư vấn pháp luật kịp thời tiếp nhận,
xử lý, hỗ trợ người lao động.
Đổi mới sáng tạo, không ngừng cổ vũ và ghi nhận những sáng kiến trong
công việc là phương châm được Chủ tịch Trương Thị Bích Hạnh và LĐLĐ
Bình Dương thực hiện trong thời gian qua. Nhiều sáng kiến đã được ghi
nhận và áp dụng hiệu quả trong thực tế. Năm 2018, đã có 350 công trình
sản phẩm được ghi nhận sáng tạo, 3 công trình sản phẩm được công nhận
giá trị làm lợi 4,5 tỷ đồng; 270 đề tài nghiên cứu khoa học được công
nhận; 4.730 sáng kiến cải tiến kỹ thuật với giá trị làm lợi gần 1.500 tỷ
đồng. Bên cạnh đó, với những đóng góp của mình, công nhân lao động
trong tỉnh đã được các cấp, các ngành ghi nhận và biểu dương, khen
thưởng với 62% trên tổng số khen thưởng cấp tỉnh được dành cho người lao
động trực tiếp.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật nhận định: “Phong trào
thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo tại Bình Dương đã trở thành
một mô hình kiểu mẫu trong việc phát động và tổ chức thi đua. Phong trào
ngày càng hoàn thiện, đi vào nề nếp, đạt được những kết quả đáng trân
trọng, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mang lại lợi ích,
đảm bảo quyền lợi cho người lao động, động viên, phát huy trí tuệ, tinh
thần sáng tạo, sự cố gắng nỗ lực trong mỗi cá nhân, trong từng cơ quan,
đơn vị, doanh nghiệp…”./.
Thu Cúc (VGP)