Thứ Sáu, 11/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 1/3/2009 16:14'(GMT+7)

“Nửa thế kỷ vang khúc quân hành” - Sáng niềm tin nơi biên ải

Hợp xướng: “Tổ quốc, biên giới và người chiến sĩ Biên phòng” do tập thể diễn viên đoàn Nghệ thuật BĐBP trình diễn trong đêm giao lưu.

Hợp xướng: “Tổ quốc, biên giới và người chiến sĩ Biên phòng” do tập thể diễn viên đoàn Nghệ thuật BĐBP trình diễn trong đêm giao lưu.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cùng các đồng chí: Huỳnh Ngọc Sơn, UVTƯ Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Phan Trung Kiên, UVTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lê Thế Tiệm, UVTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Giàng Seo Phử, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cùng đông đảo đại diện nhiều cơ quan, ban, ngành trong và ngoài quân đội đã đến dự.

Dù được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 và là ngày nghỉ cuối tuần nhưng ngay từ chập tối, đông đảo khách mời của chương trình đã có mặt với tâm trạng háo hức. Họ chờ đợi những câu chuyện từ những người lính thức canh biên giới Tổ quốc.

Chuyện của Phó bí thư đảng ủy xã quân hàm xanh

- Mình không làm trưởng bản nữa đâu! Quyết không làm nữa đâu! Bảo đồng chí Hậu xuống mà làm…

Đây là một trong muôn vàn tình huống mà Trung tá Nguyễn Khắc Hậu, cán bộ đồn biên phòng Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An) hiện đang giữ chức Phó bí thư đảng ủy xã gặp phải trong quá trình công tác. Vẻ mặt đậm màu sương gió biên giới, giọng xứ Nghệ sang sảng, anh kể lại câu chuyện dẫn đến kết cục một trưởng thôn “giận” Phó bí thư đảng ủy xã trong một cuộc gặp gỡ “bên lề”…: Hôm ấy đã gần 11 giờ trưa, chúng tôi có một thông báo quan trọng về chủ trương của Nhà nước điều tra cơ sở hạ tầng nông thôn để đưa dự án vào địa phương và cần triển khai đến các trưởng bản gấp. Trong khi còn rất nhiều trưởng bản đang chờ đợi đến lượt mình đọc thông báo (mỗi người phải tự đọc, tự ghi chép vì không thể đọc để mọi người tự ghi chép như dưới xuôi) thì ông Lầu Nỏ Tu, trưởng bản Tồng Khư vẫn đang loay hoay… Để đỡ mất thời gian chờ đợi, tôi đề nghị rất chân thành:

- Lầu Nỏ Tu để thanh niên bản đọc giúp cho nhanh!

Nghe vậy, Lầu Nỏ Tu không nói không rằng lẳng lặng ra về và ngay ngày hôm sau gửi lên xã một lá thư. Với giọng văn căng thẳng, Lầu Nỏ Tu kiên quyết từ chối chức trưởng bản… Trước tình huống bất ngờ này, Đảng ủy xã phải họp đột xuất để xử lý tình huống và cuối cùng “phương án” được “chốt” lại là Bí thư và Chủ tịch xã phải xuống tận nhà làm công tác tư tưởng với Lầu Nỏ Tu. Sau buổi 2 cán bộ chủ chốt xã trực tiếp “làm việc” và câu chuyện đã có vẻ tạm xuôi, Nguyễn Khắc Hậu “cắp” theo chút quà xuống gặp trưởng bản Lầu Nỏ Tu. Sau chầu kề cà bên chai rượu, trưởng bản Lầu Nỏ Tu mới thủng thẳng:

- Từ sau Phó bí thư đừng “đuổi” mình nữa!

Na Ngoi giờ đã có trụ sở UBND xã được xây dựng kiên cố, hằng ngày luôn sáng đèn và có người ra người vào giải quyết công việc. Sự đổi thay này là “chuyện lạ”, ngay đến Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Xuân Lương cũng phải vui vẻ pha trò khi về địa phương công tác: “Giờ về Na Ngoi không sợ chết đói rồi”! (ý nói, trước đây về làm việc với xã phải mất vài ngày mới “tìm” được cán bộ để làm việc). Bộ mặt xã hội của xã đổi thay nhanh chóng với 18 bản có trường mầm non; các bản đều có các lớp 1, lớp 2; xã có một trường cấp 2; 2 trường cấp 1 tập trung được xây dựng 2 tầng bề thế. Về xã bây giờ, đã có đường ô tô; các loại sóng truyền hình, phát thanh, điện thoại di động đã phủ khắp vùng giúp đời sống bà con các dân tộc thiểu số có những thay đổi về cơ bản…

Với Trung tá Nguyễn Đức Giang, Đồn trưởng Đồn biên phòng Loóng Sập (Mộc Châu, Sơn La), nơi được coi là “trọng điểm” của trọng điểm về ma túy lại có những khó khăn riêng. Theo lời anh, chỉ tính riêng 3 xã trên địa bàn Đồn quản lý: Loóng Sập, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa đã có đến 500 người nghiện có hồ sơ chính thức thuộc diện phải đưa đi cai nghiện. Để quản lý số người nghiện này cùng với công tác thường xuyên đấu tranh chống thẩm lậu ma túy qua biên giới đã khiến cán bộ, chiến sĩ Đồn không một đêm ngủ yên, không một ngày không phải giải quyết vụ việc. Trong năm 2008 vừa qua, trên địa bàn quản lý, các anh đã bắt 80 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy với 88 đối tượng…

Chia ngọt sẻ bùi với nhân dân...

Sống gắn với dân, chia ngọt sẻ bùi cùng nhân dân, được nhân dân đùm bọc để hoàn thành nhiệm vụ là truyền thống quý báu của Bộ đội Biên phòng 50 năm qua. Trong diễn văn khai mạc buổi giao lưu, Thiếu tướng Trần Hoa, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã giúp khán giả cả nước có cái nhìn sâu sắc hơn về những chiến công của những người lính quân hàm xanh nơi biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Thời điểm hiện tại, khi đất nước đổi mới, hội nhập, người lính biên phòng có thêm hàng trăm, hàng ngàn công việc khác nhau khi thực thi nhiệm vụ để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; để đất nước hội nhập nhưng không lọt “ruồi muỗi”. Trong dòng chảy công việc ấy, chúng ta xúc động, thêm một lần nữa cùng ôn lại câu chuyện cảm động về Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Thọ, một trong những chiến sĩ đầu tiên được giao nhiệm vụ vận động quần chúng tại Đồn biên phòng Leng Su Sìn (Mường Chà, Lai Châu) những năm 1960-1962. Người anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của Bộ đội Biên phòng ấy đã “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” và nguyện đồng cam cộng khổ với bà con dân tộc Hà Nhì, dân tộc Mông, xóa tình trạng di cư tự do, đốt rừng làm rẫy… chuyển đổi phương thức canh tác “chọc lỗ tra hạt” sang chuyên canh, thâm canh, giúp bà con ổn định cuộc sống. Từ việc làm: về xuôi mua cây giống cho bà con trồng, đỡ đẻ, chữa bệnh cho dân cùng uy tín với bà con, liệt sĩ Trần Văn Thọ đã động viên, thuyết phục nhiều thanh niên dân tộc thiểu số theo phỉ ra hàng… Việc làm, kinh nghiệm của anh là bài học để các chiến sĩ biên phòng hôm nay noi gương học tập. Mới đây nhất, một việc làm được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là BTL Bộ đội Biên phòng phối hợp cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân tổ chức cuộc Vận động xây dựng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới hải đảo” đã về đích xuất sắc. So với mục tiêu ban đầu đề ra: 1.000 ngôi nhà, 1.000 bộ chăn màn, tính đến nay các cơ quan, tổ chức đã tiến hành xây dựng và khánh thành 1.600 ngôi nhà, tặng 1600 bộ chăn màn. Đó là tình cảm của chiến sĩ biên phòng đối với nhân dân, sự tri ân những người chung sức với mình làm thành “phên giậu Tổ quốc”. Được trực tiếp đến thăm những ngôi nhà mới xây trên biên giới Đông Bắc Tổ quốc, chúng tôi không thể quên gương mặt xúc động của anh Chìu Quay Ón (bản Nà Lý, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà). Gia đình anh cũng như các gia đình được tặng nhà trên cả nước mãi ghi ơn Bộ đội Cụ Hồ.

Một buổi giao lưu trong vòng gần 2 giờ chưa chuyển tải hết những câu chuyện về chiến công, những đóng góp lớn lao của Bộ đội Biên phòng 50 năm qua trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, như lời phát biểu của Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kì đổi mới, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Võ Trọng Việt, đây là sự ghi nhận xứng đáng, thêm một sự động viên thiết thực để Bộ đội Biên phòng vượt qua khó khăn, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng sự nghiệp Biên phòng toàn dân và đấu tranh giữ vững an ninh biên giới Tổ quốc, xây dựng và giữ vững lòng tin son sắt của đồng bào nơi biên cương với Đảng, Nhà nước ta.

* Cùng ngày, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục truyền thống và Lịch sử (Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam) phối hợp với Bộ tư lệnh BĐBP và Đài Truyền hình Kỹ thuật số Việt Nam tổ chức cuộc giao lưu: 50 năm - Bộ đội Biên phòng vì Tổ quốc thân yêu”. Thượng tướng Phan Trung Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và nhiều Anh hùng LLVT nhân dân, thân nhân các anh hùng, liệt sĩ; các già làng, trưởng bản; đại diện cán bộ cơ sở; các điển hình tiên tiến trong lực lượng BĐBP toàn quốc có nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh biên giới… tham dự cuộc giao lưu.

Tại cuộc giao lưu, các đại biểu cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong công tác biên phòng; những trận chiến đấu cam go và ác liệt; những tấm gương hy sinh anh dũng của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Đặc biệt, các đại biểu tập trung trao đổi các chủ đề: Biên phòng trong thời kỳ kháng chiến; công tác biên phòng trong thời bình; BĐBP tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa; vai trò và trách nhiệm của BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc...

Buổi giao lưu là hoạt động tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc suốt nửa thế kỷ qua; đồng thời truyền thụ kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác biên phòng thời kỳ mới./.

(Theo: Tuấn Anh - Lê Trung Nguyên/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất