Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 10/12/2009 9:9'(GMT+7)

Nước biển xâm nhập: Ứng phó và kiếm lợi

Những nguồn lợi thuỷ sản sẽ dễ dàng bị triệt tiêu trong biến đổi khí hậu khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn

Những nguồn lợi thuỷ sản sẽ dễ dàng bị triệt tiêu trong biến đổi khí hậu khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn

Nước biển xâm nhập ngày càng sâu hơn vào phần đất liền có khi đến 20 – 30km, lên tận thành phố Ninh Bình, cứ 9 – 10 năm là có một cơn bão lớn quét qua, cơn bão năm 2007 nước biển đã tràn qua cả đê Bình Minh 2”, ông Đoàn Xuân Mạnh, chủ tịch UBND xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết.

Bữa ăn thay đổi

Kim Sơn là một huyện lấn biển, được thành lập từ năm 1829, huyện này mỗi năm vẫn vươn xa hơn về phía biển nhờ các bãi bồi từ 80 – 100m, địa thế này khiến các thay đổi về khí hậu hay trái đất nóng lên tác động đến họ rất dễ dàng nhận thấy. “Độ mặn tăng mỗi năm từ 25 – 30 phần ngàn, cách đây 10 năm cứ tháng 3 đã có nước ngọt đổ về nhưng bây giờ đến tháng 5, tháng 6 vẫn chưa có, điều này lại khiến nước biển dễ xâm nhập”, ông Phạm Trọng Lực, người đã 69 tuổi và sống ở các bãi bồi nói.

Để có nước ngọt dùng, người dân ở đây phải khoan từ 88 – 100m và độ khoan còn kéo sâu hơn mỗi năm, những vụ mùa thuỷ sản (là nghề chính của toàn bộ hộ dân của các xã ven biển nơi đây) thất bát liên tục do sự đỏng đảnh của thời tiết, của nước biển dâng đã khiến số hộ nghèo của các xã này trồi sụt liên tục. “Một số loài di chuyển lên phía bắc hoặc xuống sâu hơn làm thay đổi cơ cấu phân bố thuỷ sinh vật. Nhiệt độ tăng làm cho nguồn thuỷ hải sản bị phân tán. Các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn”, GS Trương Quang Học, trưởng ban Biến đổi khí hậu, hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nói.

Như thế có thể thấy rằng, cơ cấu hải sản nuôi trồng và đánh bắt đều có thể thay đổi theo chiều hướng xấu với biến đổi khí hậu, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, nước biển tiếp tục dâng các làng chài và nuôi trồng phải di chuyển thì việc để có món tôm sú hấp trong bữa ăn nhà là khó khăn thực sự.

“Các kết quả mô phỏng của viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo sử dụng mô hình số độ cao (DEM) cho khu vực đồng bằng sông Hồng cho thấy, nếu mực nước biển dâng 1m, một phần khá lớn diện tích các tỉnh thành phố Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và một phần của các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình có cao độ mặt đất thấp hơn mực nước trung bình, do vậy sẽ bị ngập lụt nặng nếu vỡ đê”, TS Vũ Thanh Ca, viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam nhận định.

Theo GS Trương Quang Học, thực tế cho thấy ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng khoảng 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El Nino, La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt.

Trồng rừng và bán CO2

TS Vũ Thanh Ca cho rằng việc chưa huy động được những nguồn tiền từ các dự án chống biến đổi khí hậu là việc cần thiết phải thay đổi trong tương lai, chúng ta sẽ tạo ra được các bằng chứng khoa học rõ ràng để có thể bước đàng hoàng vào thị trường khí phát thải. Các cách để thu hút nguồn tài chính từ các dự án là cần thiết cho việc đầu tư vào chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Có hai dự án lớn của thế giới là CDM (cơ chế phát triển sạch) từ Nghị định thư Kyoto 1997 và REDD (giảm phát thải khí nhà kính gây ra do mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển) vừa được đưa ra tại hội nghị biến đổi khí hậu năm ngoái ở Bali – Indonesia. Theo ông Hoàng Quốc Dũng, tổng thư ký diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam, thì riêng tại Trung Quốc số tiền thu được từ dự án CDM đã là 4 tỉ USD, tập trung vào việc trồng và phủ xanh các vùng đồi núi trọc, quy đổi ra lượng CO2 thải để bán lại các số này cho các nước có nhu cầu phát thải. Với mức giá từ 60 – 100 USD/tấn CO2, nguồn lợi thu được không hề nhỏ.

Việt Nam là một trong 14 nước được chọn thí điểm dự án này nhưng các điều kiện phức tạp khiến chúng ta vẫn chưa tiếp cận được nguồn tài chính từ các dự án trên. “Chúng tôi vẫn đang thử nghiệm, điều tra và làm các hoạt động khoa học để tính được khối CO2 dự trữ trong khối rừng của mình”, ông Nguyễn Văn Việt, chuyên viên phòng kỹ thuật – hợp tác quốc tế, viện Điều tra quy hoạch rừng cho biết. Nói về cách thức để thích nghi với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đa số các nhà khoa học thiên về tuyên truyền cho người dân, tạo ra các vùng rừng ngập mặn lớn để chống nước biển xâm lấn… Các biện pháp xây đê biển bị đánh giá rất thấp vì tiêu tốn tài chính và có nhiều bất cập.

Cân nhắc khi đánh đổi các dự án

Dự án REDD có thể tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia, nhất là các hộ dân chủ yếu sống dựa vào tài nguyên rừng tự nhiên, thay đổi cách sống với rừng. Vì thế biến đổi khí hậu có thể khiến rừng Việt Nam tăng giá trị mà không phải chặt đốn đi, nhưng để tiếp cận số tiền khổng lồ đó còn phải đợi nhiều nỗ lực. GS Trương Quang Học cho rằng đầu tư phát triển các vùng trung du là lựa chọn nên làm thay vì các vùng ven biển, các lựa chọn “đánh đổi” trong các dự án phát triển và môi trường nên được cân nhắc kỹ hơn.


Sài Gòn Tiếp Thị
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất