Thực tế cho thấy những năm gần đây, Nga và Mỹ dường như bước đi trên
hai đường ray hoàn toàn khác biệt nhau về chính trị, trong đó lợi ích
chung không đủ khỏa lấp cho khoảng trống bất đồng ngày càng bị nới rộng.
Trong một số vấn đề gai góc, bao gồm vấn đề Ukraine, Syria, Iran, hạt
nhân Triều Tiên, khủng bố toàn cầu hay tấn công mạng, quan hệ Nga-Mỹ
thậm chí còn được ví “như nước với lửa”. Thế nên, chỉ cách đây vài ba
tháng, có lẽ không ai dám đặt cược vào khả năng tổ chức cuộc gặp giữa
lãnh đạo hai quốc gia mà quan hệ được đánh giá đang ở tình trạng tồi tệ
nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Cuộc gặp ngày 16/7 càng bị phủ bóng mây u ám khi trước đó chỉ ít giờ,
Bộ Tư pháp Mỹ quyết định truy tố 12 nhân viên tình báo quân sự Nga với
cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nhằm giúp ông
Donald Trump bước lên vũ đài chiến thắng.
Thế nhưng, những ai kỳ vọng vào một trang mới sáng sủa hơn-một giai
đoạn “phá băng” trong quan hệ Nga-Mỹ có thể thở phào nhẹ nhõm, bởi cuộc
gặp thượng đỉnh tại thủ đô Helsinki, như đánh giá của Tổng thống
Vladimir Putin, đã diễn ra hiệu quả, tích cực trong tinh thần thẳng thắn
và cởi mở, đánh dấu những bước đầu tiên nhằm cải thiện quan hệ giữa hai
nước. Tương tự, rời bàn đàm phán, ông Donald Trump cũng hồ hởi coi đây
là “một khởi đầu tốt đẹp cho tất cả mọi người”.
Điều mà người ta hiếm khi thấy, đó là thiện chí lấy hợp tác để thu hẹp
bất đồng giữa hai quốc gia từng là đối thủ thời Chiến tranh lạnh này,
cũng đã xuất hiện, khi Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir
Putin nhất trí thành lập hội đồng chuyên gia chung để tìm biện pháp giải
quyết những vấn đề còn tồn tại trong mối bang giao giữa hai nước. Bên
cạnh đó, việc hai lãnh đạo Nga-Mỹ “gật đầu” hợp tác trong nhiều vấn đề
như ổn định chiến lược và không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt,
đồng thời hướng tới mục tiêu thành lập các nhóm làm việc chung về an
ninh mạng, chống khủng bố… đã đem tới hy vọng chấm dứt sự “nghèo nàn”
trong các kênh ngoại giao song phương.
Với Tổng thống Donald Trump, thành công của Hội nghị thượng đỉnh
Mỹ-Triều tại Singapore dường như càng khiến ông khao khát ghi thêm những
“điểm số ngoại giao” bằng cách giải quyết những “điểm nóng” trong quan
hệ với Moscow. Hơn nữa, cuộc tiếp xúc “1 đối 1” với chính khách lão
luyện như Tổng thống Vladimir Putin còn là cơ hội để vị chủ nhân Nhà
Trắng chứng minh rằng, ông không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn đủ khả năng
đưa ra những nước đi quan trọng mang tầm thế giới mỗi khi đứng trên bàn
cờ chính trị.
Vậy nên, thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này chỉ có duy nhất một lựa chọn để ông Donald Trump nhắm tới, đó là thành công!
Ở phía đối diện, có vẻ như Tổng thống Vladimir Putin đã thấu hiếu tính
toán của đối thủ, nên ông đặt chân tới Helsinki với tư thế của người
“nắm đằng chuôi”. Bởi lẽ, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh chính quyền
của ông Donald Trump đang mâu thuẫn gay gắt với các đồng minh trong Liên
minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về hàng
loạt vấn đề như chính sách thương mại, biến đổi khí hậu hay thỏa thuận
hạt nhân Iran. Cùng với đó, những phát ngôn và hành động “chĩa mũi dùi”
trực tiếp, thậm chí được đánh giá là “quay lưng lại với đồng minh” của
Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng
đỉnh NATO mới đây đang mở ra cơ hội để Tổng thống Vladimir Putin thuyết
phục “những người bạn thân lâu năm” của Mỹ đi tìm một điểm tựa khác, đó
là Moscow.
Bên cạnh đó, một mối quan hệ “tăng hợp tác, giảm đối đầu” với Mỹ chính
là chiếc chìa khóa để Nga có thể thoát ra khỏi thế cô lập của nước này
trên bàn cờ quốc tế.
Trong bối cảnh như vậy, tuyên bố về một hội nghị thượng đỉnh thành
công, tạm gác lại đối đầu để nhường chỗ cho hợp tác là điều mà cả ông
Vladimir Putin và ông Donald Trump đều mong mỏi.
Nhưng cái bắt tay nồng ấm với nhà lãnh đạo Nga có vẻ như là một nước đi
đầy mạo hiểm đối với Tổng thống Donald Trump. Bằng chứng là ngay sau
cuộc gặp, ông Donald Trump ngay lập tức phải đối mặt với cơn bão chỉ
trích vì đã dễ dàng chấp nhận tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin,
rằng Nga không hề can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Nhiều nhà bình luận còn
cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua là một sai lầm thảm hại, là “màn
trình diễn yếu kém nhất lịch sử” của một tổng thống Mỹ trước một đối thủ
nước ngoài. Và có lẽ, áp lực và sự hoài nghi từ nội bộ nước Mỹ đối với
vị tổng thống thứ 45 của xứ sở cờ hoa sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
Sự cải thiện quan hệ giữa cá nhân Tổng thống Donald Trump với “đối thủ
cạnh tranh Vladimir Putin” nói riêng và quan hệ Nga-Mỹ nói chung cũng sẽ
là hồi chuông cảnh tỉnh, khiến các đồng minh của Washington càng cảm
thấy “đang bị bỏ rơi”. Viễn cảnh về một EU không đủ sức áp đặt lên Nga,
hay một NATO từng trải qua nhiều biến cố và sóng gió trong gần 70 năm
tồn tại, nay sắp đến hồi rạn vỡ bởi “đầu tàu” Mỹ, đang ngày càng hiện
rõ.
Dẫu cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này tạm được gọi là thành công,
song nó vẫn chưa thể khẳng định rõ ràng chính sách của chính quyền
Washington đương nhiệm với Moscow trong tương lai gần. Bởi, Tổng thống
Donald Trump luôn là “người của những bất ngờ”, và với ông, mọi quyết
định đôi khi có thể thay đổi trong chớp mắt.
Quan hệ giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới
sẽ đi theo hướng nào, đó sẽ là một mối quan hệ ưu tiên hợp tác hay tiếp
tục trở lại với cục diện bế tắc tuần hoàn bao trùm với những lệnh trừng
phạt và động thái kiềm chế đối thủ? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào
cách Tổng thống Donald Trump điều khiển “trái bóng” mà ông đã nhận được
tại Helsinki./.
Châu Anh (qdnd.vn)