Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 23/10/2018 10:10'(GMT+7)

Nước cờ nguy hiểm

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 7/2018 tại Helsiki. (Ảnh: CNN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 7/2018 tại Helsiki. (Ảnh: CNN)

Ngày 20/10, giờ Washington, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga với cái cớ Moscow vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận này. Động thái trên mở ra viễn cảnh về cuộc đối đầu hạt nhân nguy hiểm có nguy cơ trở lại châu Âu sau 3 thập kỷ tương đối ổn định.

INF là một hiệp ước mang tính lịch sử được đàm phán và ký năm 1987 dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Đây là công cụ kiểm soát vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Sự ra đời của INF, cùng với Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) được ký từ năm 1991 giữa Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga) cũng như Hiệp ước New START (hay còn gọi là START 2) ký năm 1993 và START 3 ký năm 2010, đã chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Nga tại châu Âu, tạo sự ổn định tương đối cho “lục địa già” trong suốt 30 năm qua, cũng như mang lại hy vọng về một thế giới phi hạt nhân.

Trong tuyên bố hồi đầu năm, NATO khẳng định, hiệp ước INF là "rất quan trọng với an ninh của châu Âu-Đại Tây Dương" và góp phần giảm nguy cơ xung đột. Nói một cách ngắn gọn, INF đóng vai trò là một trong ba trụ cột hỗ trợ ổn định hạt nhân toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng.

Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF là một quyết định gây sốc, dù trên thực tế hiệp ước này đã có nhiều dấu hiệu đổ vỡ trong suốt một thập kỷ qua. Đã không ít lần Moscow và Washington đòi từ bỏ hiệp ước INF hay START sau khi bên này cáo buộc bên kia vi phạm các điều khoản. Nga cho rằng, việc Mỹ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc triển khai ở châu Âu hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore và bệ phóng đa nhiệm Mk-41 để khai hỏa tên lửa hành trình tầm trung là hoạt động vi phạm trực tiếp hiệp ước INF, làm vô hiệu hóa kho vũ khí của Nga và đe dọa an ninh nước này. Trong khi đó, Washington liên tục cảnh báo Moscow vi phạm INF với việc phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân.

“Lời qua tiếng lại” nhưng cả Nga và Mỹ vẫn tiếp tục nỗ lực duy trì INF, bởi hiệp ước này là nhân tố chính giúp quản lý căng thẳng giữa hai nước.

Thế nên, tuyên bố mà Tổng thống Donald Trump đưa ra ngày 20/10 được xem là động thái nguy hiểm khi nó là đòn giáng thứ hai vào hệ thống ổn định chiến lược và an ninh hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM năm 2001.

Nếu tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF của ông Donald Trump trở thành hiện thực, cùng với việc Hiệp ước New START sẽ hết hạn vào năm 2021, thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1972, các cường quốc hạt nhân không còn chịu sự ràng buộc giới hạn nào. Điều đó sẽ khiến những nỗ lực kiềm chế chạy đua vũ trang trong 30 năm qua quay trở lại điểm số 0.

Viễn cảnh về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân sẽ càng trở nên rõ ràng hơn khi thế giới phải chứng kiến cuộc đối đầu giữa các cường quốc trong khi các công cụ kiểm soát loại vũ khí này đang mất dần hiệu lực. Thoát khỏi “vòng kim cô” của các hiệp ước, Washington có thể triển khai tên lửa trên đất liền ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Trong khi đó, một số quốc gia khác sẽ sử dụng việc Mỹ rút khỏi INF để giải thích cho sự phát triển quân đội của mình. Với Nga, Moscow sẽ tiếp tục và công khai phát triển các loại vũ khí mà lâu nay bị nghi ngờ vi phạm hiệp ước.

“Quyết định rút khỏi Hiệp ước INF là bước đi nguy hiểm có thể đẩy thế giới vào nguy cơ mất an toàn, thậm chí sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng mới, tương tự cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba tháng 10/1962”, người đứng đầu Ủy ban Chính sách thông tin và truyền thông của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Thượng nghị sĩ Alexei Pushkov khẳng định.

Điều đáng nói rằng, tuyên bố rút khỏi INF của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh Cố vấn Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia John Bolton bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới Moscow, từ ngày 22 đến 23/10. Thế nên, rất có thể đây chỉ là một “nước cờ” của ông Trump. "Tiên hạ thủ vi cường", đưa ra “con bài” hạt nhân, dường như Tổng thống Mỹ D. Trump toan tính buộc Moscow phải đưa ra cam kết mạnh mẽ không vi phạm Hiệp ước INF trước khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin diễn ra.

Nga và Mỹ nhiều khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận vũ khí hạt nhân mới bởi một điều rõ ràng rằng, nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, sẽ không có ai giành chiến thắng. Dù vậy, "quân vô hí ngôn", dẫu nhiều khả năng chỉ là một đòn gió, thì "nước cờ" của Tổng thống D. Trump cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro./.

Linh Oanh (qdnd.vn)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất