Đất nước của phát minh

Bắt đầu từ Giô-han-nét Gu-ten-bớc (Johannes Gutenberg), người con của vùng Mên-dơ nước Đức, cũng là cha đẻ của một trong những phát kiến vĩ đại bậc nhất nhân loại: Máy in. Phát minh này không chỉ phá vỡ sự độc quyền của Nhà thờ trong việc giải thích Kinh thánh mà còn hiện thực hóa công việc đưa thông tin đến với số đông, mở ra khả năng vô tận cho con người trong việc truyền bá và tiếp nhận tri thức. Nói cách khác, phát minh của Giô-han-nét Gu-ten-bớc đã đưa nhân loại ra khỏi đêm dài trung cổ của sự tối tăm, thiếu thốn kiến thức. Từ máy in của Giô-han-nét Gu-ten-bớc cho đến mạng điện toán internet, vấn đề chỉ là thời gian.

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, nước Đức là quê hương của A.Anh-xtanh (Albert Einstein), người phát minh ra thuyết tương đối, nền tảng cơ bản của vật lý học hiện đại; Mác Planh-cơ (Max Planck), cha đẻ của cơ học lượng tử.

 

Những phát minh lớn trong khoa học xã hội cũng in dấu những tên tuổi người Đức. Nhạc sĩ vĩ đại người Đức Lút-uýt Van Bét-thô-ven (Ludwid Van Beethoven) là người đã “phát minh” ra sức mạnh ghê gớm mà âm nhạc có thể mang lại cho tâm hồn con người, với bản sonata số 23 mang tên Appasionata mà Lê-nin mỗi lần nghe vẫn thốt lên đầy khâm phục: "Hãy xem, con người có thể sáng tạo ra những điều kỳ diệu như thế nào!". Ngay trong bóng đá thời hiện đại, nơi dường như khó có thể tìm ra cái gì mới dưới ánh mặt trời thì một cầu thủ Đức như Phran Bếch-ken-bau-ơ (Franz Beckenbauer) cũng có thể tự hào là đã phát minh ra lối đá libero làm say mê lòng người!

Và tất nhiên, không thể quên Các Mác (Karl Marx) vĩ đại, người đã phát minh ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, một trong những phát kiến vĩ đại trong lịch sử triết học, đặt nền tảng cho chủ nghĩa cộng sản khoa học, là ngọn đuốc trí tuệ soi sáng cho tương lai nhân loại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thăm một nước Đức như thế.

“Ăn sáng làm việc!”

Không chỉ có những phát minh, nước Đức ngày nay là một cường quốc châu Âu với nền kinh tế có độ tự động hóa, hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm rất cao. Nói cách khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tràn qua đây lâu rồi. Trong chuyến thăm chính thức làm việc tại Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ở một cuộc trò chuyện bên lề với Tiến sĩ Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, ông Bình đưa ra một nhận xét về đặc điểm hợp tác với các doanh nghiệp của Đức hiện nay: “Nếu không 4.0 thì doanh nghiệp Đức sẽ không nói chuyện đâu! Bởi đã có đầy các doanh nghiệp 3.0 xếp hàng muốn hợp tác với họ rồi, việc gì họ phải hợp tác với mình nữa”.

Đấy là một nhận xét chí lý.

Tháng 4-2016, khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp. Tới nước Đức lần này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng mang theo thông điệp đó và bằng cách này hay cách khác, chuyển tải tinh thần của thông điệp đến với những người bạn Đức, đặc biệt là giới doanh gia Đức.

Để cải cách thể chế gắn liền với tăng trưởng kinh tế mang tính bao trùm, không có gì tốt hơn là học tập những kinh nghiệm của người Đức, những người không thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính. Óc sáng tạo, có năng lực phát minh, tinh thần kỷ luật trong công việc chính là những nhân tố nổi trội giúp cho nước Đức trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu. Người Đức thường tận dụng tối đa thời gian để làm việc sao cho có hiệu quả. Chính vì thế mà trong chuyến thăm của Thủ tướng, đã nảy sinh hình thức gọi là “buổi ăn sáng làm việc”, theo đó Thủ tướng dự ăn sáng với đại diện của những “ông lớn” trong nền kinh tế Đức.

Một trong số những người cùng “ăn sáng” với Thủ tướng hôm ấy là ông Xê-đơ-rích Nây-kê (Cedrik Neike), Ủy viên Hội đồng quản trị Siemen AG, tập đoàn công nghệ cơ khí hàng đầu thế giới, lớn nhất ở châu Âu. Ông Xê-đơ-rích Nây-kê cho biết, tập đoàn của ông đã hợp tác chặt chẽ với FPT và cũng đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ về thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này không chỉ có ý nghĩa cho việc chuyển giao công nghệ mà còn giúp đào tạo cho hơn 1 triệu người trẻ Việt Nam trở thành chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ. Ông cũng cho biết Siemen hỗ trợ cung cấp năng lượng, y tế, năng lượng xanh, năng lượng sạch sang Việt Nam. Ông Xê-đơ-rích Nây-kê mong muốn Siemen tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng các hệ thống tàu điện ngầm, nhà máy tuabin khí...

Để tận mắt nhìn thấy những chiếc tuabin khí này, sau khi dự bữa ăn sáng làm việc đặc biệt đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thẳng... nhà máy sản xuất tuabin khí của Siemen. Giám đốc điều hành của Siemen là J.Ca-ê-dơ (J.Kaeser) đã dẫn Thủ tướng đi thăm các phân xưởng, phòng điều hành nhà máy. Thủ tướng dừng rất lâu bên một chiếc tuabin khí khổng lồ trong phân xưởng 1 của nhà máy. Trong cuộc trao đổi với ông J.Ca-ê-dơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí rằng, giờ đã đến lúc Việt Nam phải bỏ qua giai đoạn tận dụng nhân công giá rẻ để làm sản phẩm cạnh tranh; trước mắt, Việt Nam cần phải vượt lên trong chuỗi giá trị toàn cầu và Siemen nói riêng, nước Đức nói chung có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cách mạng 4.0 này

Những gương mặt khác nhau của “Cách mạng công nghiệp” 4.0

Với tư cách là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 trong năm 2017. Như vậy là từ lần đầu tiên được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2010, sau 7 năm, Việt Nam lại có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh của một trong những cơ cấu tập trung những nền kinh tế nổi bật nhất toàn cầu.

Nước Đức chủ nhà đã làm tất cả những gì có thể để Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra một cách suôn sẻ. Dễ hiểu là với sự góp mặt cùng lúc của các yếu nhân như Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, Tổng thống Pháp Em-ma-nuy-en Ma-crông (Emmanuel Macron), Thủ tướng Anh Thê-rê-xa Mây, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê  (Shinzo Abe), Thủ tướng nước chủ nhà An-giê-la Méc-ken (Angela Merken)..., các biện pháp an ninh nghiêm ngặt bậc nhất được áp dụng ở Hăm-buốc. Thành phố êm đềm bị khuấy động bởi 20.000 cảnh sát và nhân viên an ninh được huy động để đảm bảo an ninh cho sự kiện trọng đại này.

Tại kỳ họp Thượng đỉnh G20 lần này, Việt Nam tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung hội nghị. Điều thú vị nằm ở chỗ rất nhiều nội dung được bàn thảo ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này rồi đây cũng sẽ được tiếp tục bàn thảo ở Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 với Việt Nam là nước chủ nhà vào tháng 11 này.

Chẳng hạn ở phiên 1 có nội dung liên quan đến kinh tế thế giới (tăng trưởng kinh tế thế giới, thương mại, tài chính và thuế). Tại phiên này, các nước G20 trao đổi các giải pháp để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế thế giới hướng đến xây dựng một nền kinh tế toàn cầu tự cường, bền vững và bao trùm.

Còn phiên 2 liên quan đến các vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng, với Việt Nam nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Tại phiên này, các nước G20 thúc đẩy kết nối vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng, theo đó thúc đẩy các ưu tiên về sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế phi các-bon.

Hay như vấn đề việc làm và số hóa là nội dung chính trong trao đổi tại phiên 5. Tại phiên này, các nước G20 thảo luận một số định hướng như thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tranh thủ lợi ích của số hóa; giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong kinh tế số…

Như vậy, có thể thấy nhiều “gương mặt” khác nhau của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã xuất hiện ở Thượng đỉnh G20 lần này. Trong phát biểu tại phiên họp về phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo là nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã thúc đẩy những ưu tiên trong chương trình nghị sự của APEC 2017, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng; đang phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy trao đổi sâu rộng về phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính.

Chuyến thăm chính thức làm việc tại CHLB Đức, dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thành công tốt đẹp không chỉ bởi đã thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc; chuyến thăm này tiếp tục khẳng định Việt Nam hội nhập sâu rộng vào đời sống chính trị và kinh tế quốc tế, có mặt tại những diễn đàn đa phương nổi trội bậc nhất trên phạm vi toàn cầu.

Và ở nước Đức, cả trong hoạt động song phương cũng như khi tham gia diễn đàn đa phương, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam gửi đi thông điệp: Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0!

Bài và ảnh: YÊN BA (từ Hăm-buốc, CHLB Đức)
Ngun: QĐND