Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 22/1/2010 8:59'(GMT+7)

Nước sông, hồ Hà Nội sẽ xanh, sạch hơn

Các con sông: Nhuệ, Đáy, Bùi, Tích, Cà Lồ, Cầu, Cầu Bây… đều đó bị ô nhiễm, nặng nhất là sông Nhuệ. Cụ thể: Tất cả các chỉ tiêu phân tích trên đoạn sông Nhuệ nơi tiếp nhận nước thải từ sông Tô Lịch đều vượt 1,28 lần so với quy chuẩn về chất lượng nước; tổng Coliform vượt 6,47 lần. Nước sông đã bị ô nhiễm nặng, không đủ tiêu chuẩn để phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Nhiều đoạn sông Nhuệ nước bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của dân cư hai bên bờ.

Tại cuộc họp hồi đầu tháng của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, một trong các vấn đề các thành viên quan tâm nhất là việc huy động các tiềm lực tài chính triển khai các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm. Trong số 5 địa phương có trách nhiệm đối với hai con sông này, duy nhất Thành phố Hà Nội có tiềm lực kinh tế mạnh, còn 4 địa phương Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đều là tỉnh nghèo, thu không đủ chi. Nhiều đại biểu cho rằng, cần làm rõ cơ chế sử dụng 1% kinh phí môi trường cho các dự án xử lý ô nhiễm trên lưu vực.

Đại diện UBND TP Hà Nội cũng cho biết, ngay cả Hà Nội nếu chỉ dựa vào nguồn chi từ ngân sách cũng không đáp ứng được nhu cầu ngăn ngừa ô nhiễm. Để có trạm xử lý nước thải tại một cửa xả cũng cần trên 300 triệu USD. Trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân sống trên lưu vực là một nguồn lực lớn. Để “khơi thông” nguồn lực từ người dân, làng nghề là vấn đề không đơn giản, có thể bắt đầu từ việc phổ biến tới họ các chế phẩm xử lý nước thải từ đầu nguồn. Riêng với doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện trách nhiệm xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường là “đúng luật”. Gần đây, Hà Nội đã kiên quyết áp dụng lộ trình “tuyên truyền - xử phạt - phạt luỹ tiến - công bố trước công luận - đóng cửa ” đối với các doanh nghiệp cố tình xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã xây dựng và triển khai đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn đến năm 2010″ (có dự án quy hoạch cải thiện tổng thế các vấn đề tiêu thoát nước, môi trường, cảnh quan sinh thái sông Tô Lịch; quản lý sử dụng đất lưu vực sông Nhuệ); bắt buộc tất cả khu - cụm CN đã hoạt động chưa có trạm xử lý nước thải phải khởi công xây dựng trong năm 2010.

Theo đó, đối với môi trường nước, Hà Nội sẽ tiến hành tách nước thải và xử lý nước thải trước khi đổ vào các sông, hồ. Trước mắt, Hà Nội chọn sông Tô Lịch và sông Nhuệ để xử lý cải thiện chất lượng nước sông. Đối với các hồ sẽ áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để xử lý ô nhiễm 33 hồ nội thành. Cùng với đó, cho áp dụng công nghệ xử lý kết hợp (công nghệ lọc nước, công nghệ sinh học và công nghệ hoá học). Để thực hiện, Hà Nội vừa đầu tư vừa kêu gọi đầu tư bằng các hình thức BOT, BT hoặc ODA để đẩy nhanh việc xây dựng các công trình xử lý nước thải. Cụ thể hóa các cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia dịch vụ xử lý nước thải trên địa bàn.

Đối với việc xử lý ô nhiễm các sông, hồ, ông Phạm Văn Khánh, Phó giám đốc Sở TN&MT cho biết, sau khi hoàn thành xử lý ô nhiễm nước 7 hồ nội thành, Thành phố sẽ phân cấp cho các cơ quan quản lý hồ để ứng dụng triển khai nhân rộng xử lý cho 26 hồ đã được kè bờ trong khu vực nội thành, như hồ công viên Bách Thảo, Trúc Bạch, Thủ Lệ, Giảng Võ, Nghĩa Tân, Thành Công, Bảy Mẫu… Dự kiến hoàn thành trong năm 2010.

Đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sông, hồ Hà Nội sẽ xanh hơn, sạch hơn.

Theo ktdt.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất