Đây là kết luận của các nhà khoa học thuộc Đại học liên bang Pelotas ở
Brazil, được công bố trên tạp chí The Lancet số ra ngày 17/3.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tiến hành theo dõi sự
phát triển của gần 3.500 trẻ sơ sinh trong vòng 30 năm. Họ chia những
đứa trẻ nói trên thành 5 nhóm, dựa vào thời gian được nuôi bằng sữa mẹ,
và cân nhắc 10 yếu tố sinh học và xã hội có thể góp phần tăng chỉ số IQ ở
trẻ.
Các yếu tố bao gồm thu nhập của gia đình khi đứa trẻ được sinh ra, trình
độ học vấn của cha mẹ, gien di truyền, trọng lượng lúc mới sinh của
trẻ, độ tuổi mang thai và thói quen hút thuốc (nếu có) của người mẹ
trong thai kỳ, hình thức sinh nở là sinh thường hay sinh mổ...
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tham chiếu số liệu từ một nghiên cứu khác trên những trẻ sinh năm 1982 ở thành phố Pelotas.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất
trong một năm đầu đời đạt đủ 4 điểm IQ, con đường học vấn "dài" hơn 0,9
năm và thu nhập cao hơn 104 USD/ tháng khi ở tuổi 30, so với những trẻ
chỉ được bú sữa mẹ trong chưa đầy một tháng.
Các nhà khoa học nhấn mạnh mặc dù cả 5 nhóm trẻ đều được hưởng lợi ích
từ sữa mẹ đối với sự phát triển não bộ bất kể thời gian được cho bú dài
ngắn khác nhau, song thời gian trẻ được bú mẹ càng lâu (ít nhất trong 12
tháng đầu đời), lợi ích càng cao.
Cũng theo nghiên cứu, trình độ học vấn và thu nhập của người mẹ ít tác
động tới khả năng phát triển não bộ của trẻ thông qua việc cho bú.
Bằng chứng là ở nhóm 3.500 trẻ trong phạm vi nghiên cứu, các bà mẹ thuộc
nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, chứ không chỉ tập trung chủ yếu ở các
bà mẹ có học vị và thu nhập cao.
Bà Bernando Lessa Horta, trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích sữa mẹ giúp
tăng chỉ số IQ ở trẻ là trong sữa mẹ có các axít béo bão hòa (DHAs) cần
thiết cho sự phát triển của não bộ.
Bà nhấn mạnh kết quả nghiên cứu là thêm một bằng chứng nữa về việc nuôi con bằng sữa mẹ càng lâu càng tốt./.
Theo TTXVN