Ngày 9-12 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ phát động thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học (NCKH) trong trường trung học trên cả nước là một bước đi thể hiện quyết tâm nâng cao tính chuyên nghiệp trong NCKH.
Lâu nay ở Việt Nam, nói về nghiên cứu khoa học (NCKH), không ít người vẫn cho rằng đó là việc của những người có chuyên môn học thuật cao. Bởi vậy không tự tin, kiên trì hoặc thờ ơ với việc triển khai một hoạt động học thuật đòi hỏi yêu cầu nghiên cứu, mà không biết rằng, để có được những thành công trong nghiên cứu, bước đầu tiên của người làm khoa học là phải có kinh nghiệm. Kinh nghiệm nghiên cứu sẽ giúp họ trả lời nhiều vấn đề thường gặp khi bắt đầu một đề tài khoa học. Những điều đó không thể ngày một ngày hai là có, mà phải là một quá trình tích lũy từ các cấp học dưới.
Việc Bộ GD-ĐT, ngày 9-12 vừa qua đã tổ chức Lễ phát động thành lập các câu lạc bộ NCKH trong trường trung học trên cả nước là một bước đi thể hiện quyết tâm nâng cao tính chuyên nghiệp trong NCKH. Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc sẽ thay thế các bài kiểm tra thực hành thông thường, bằng các dự án học tập, sản phẩm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, để đánh giá học sinh, không chỉ cho thấy sự thay đổi trong cách dạy học và đánh giá học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương, mà còn khẳng định NCKH là nền tảng, là động lực của mọi hoạt động.
Hiện có không ít người học thiếu năng động, tự lập trong quá trình học tập, dễ dàng hài lòng với những kiến thức được trang bị sẵn, ít có nhu cầu tạo ra hay khám phá kiến thức ở chiều sâu hơn hay ở tầm rộng hơn, nên việc tham gia vào các câu lạc bộ NCKH trong trường sẽ giúp họ thoát khỏi “sức ì” trong tư duy; thấy được giá trị của việc học thực chất. Bên cạnh đó, cũng tạo ra môi trường khoa học, xóa bỏ “rào cản” của sự ngần ngại khi nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là NCKH, không biết bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị những gì và tiến hành ra sao...
Tuy nhiên, để hoạt động NCKH không trở thành “phong trào”, ngoài việc giúp người học thay đổi quan niệm NCKH chỉ dành cho những người có kiến thức uyên thâm, nghiên cứu ra những thứ “cao siêu”, mà khoa học dành cho tất cả những ai ham mê sự tìm tòi, sáng tạo. Với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, những phát hiện dù rất nhỏ, dù mới chỉ dừng lại ở bước hình thành ý tưởng, chưa có tính khả thi... đều đáng trân trọng. Và điều quan trọng, hãy để việc NCKH của các em diễn ra một cách vô tư, trong sáng, trung thực, phát huy hết khả năng sáng tạo của tuổi trẻ tìm ra những điều mới và hay, đừng biến nó thành hoạt động mang “màu sắc” thành tích.
Hình thức hoạt động của các câu lạc bộ này cần đa dạng, có thể gồm các buổi tọa đàm, hội thảo, hoạt động thực hành, tiếp cận thực tế, hoạt động ngoại khóa, trao đổi bên lề với các nhà khoa học để chia sẻ khúc mắc trong nghiên cứu... Khi các em được sống và học tập trong môi trường khoa học, bạn bè cùng tự nguyện gắn kết, khám phá đề tài khoa học, không vụ lợi, phẩm chất của người làm khoa học sẽ “ngấm” dần vào các em, cộng thêm những kỹ năng thuần thục, có thể là cơ hội để các em được tham gia vào những công trình lớn sau này, mang lại lợi ích cho đất nước.
Thu Hà/QĐND