Ngày 11/12, Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới, đã mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng được phát động trong thập kỷ qua sang mặt trận mới trong kinh doanh quốc tế nhằm vào khoản "tiền lót tay" hay "tiền bôi trơn".
Chủ tịch Ủy ban chống hối lộ của OECD, Mark Pieth nhấn mạnh khoản tiền lót tay tuy bị cấm theo luật pháp nhưng vẫn rất phổ biến trên thực tế.
Các công ty vận tải của các nước OECD đã phải trả hàng chục nghìn USD để "bôi trơn" nhằm tìm lại những container bị coi là "thất lạc" ở các cảng biển cũng như sân bay ở các nước đang phát triển.
OECD khẳng định các khoản tiền "bôi trơn" này đang làm xói mòn luật pháp, đặc biệt là sự phát triển bền vững của các nền kinh tế trong OECD.
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria nêu rõ OECD sẽ không cho phép hình thức hối lộ kiểu "bôi trơn" này dù số tiền là lớn hoặc nhỏ. Ông nhấn mạnh ngoài Mỹ, chỉ có một số rất ít nước thành viên của OECD cho phép các công ty kinh doanh chi các khoản tiền hối lộ dạng này.
Công ty Siemens AG, nhà chế tạo điện và điện tử lớn nhất châu Âu cũng tuyên bố sẽ khởi động chương trình 100 triệu USD trong 15 năm tới để thúc đẩy các nỗ lực thực hiện liêm chính trong kinh doanh, các điều kiện công bằng của thị trường và chống tham nhũng.
Chương trình này bao gồm những chương trình giáo dục nâng cao nhận thức chống tham nhũng, bảo trợ các dự án ngăn chặn cũng như chống tham nhũng và gian lận./.
TG- TTXVN