Thứ Tư, 2/10/2024
Thế giới
Thứ Năm, 16/8/2012 21:30'(GMT+7)

OIC đình chỉ tư cách thành viên của Xyri

Tổng Thư ký OIC Ekmeleddin Ihsanoglu cho biết, quyết định nói trên là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới chính quyền Damascus thể hiện sự ủng hộ của cộng đồng Hồi giáo đối với một giải pháp hòa bình tại Syria. Ảnh: AFP-TTXVN

Tổng Thư ký OIC Ekmeleddin Ihsanoglu cho biết, quyết định nói trên là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới chính quyền Damascus thể hiện sự ủng hộ của cộng đồng Hồi giáo đối với một giải pháp hòa bình tại Syria. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong tuyên bố đưa ra khi kết thúc hội nghị cho biết các đại biểu tham dự hội nghị đều nhất trí về "sự cần thiết phải chấm dứt ngay lập tức các hành động bạo lực ở Xyri", bày tỏ "vô cùng quan ngại trước các vụ thảm sát và hành động vô nhân đạo nhằm vào người dân nước này".

Phát biểu trước báo giới, Tổng Thư ký OIC Écmelétđin Ixanôglu (Ekmeleddin Ihsanoglu) cho biết quyết định nói trên là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới chính quyền Đamát (Damascus) và cộng đồng quốc tế nhằm thể hiện sự ủng hộ của cộng đồng Hồi giáo đối với một giải pháp hòa bình cũng như chấm dứt tình trạng đổ máu và chia rẽ tại Xyri và khu vực.

Hội nghị đặc biệt của OIC, bắt đầu từ ngày 14/8 tại thánh địa Mécca, đã thảo luận đề xuất đình chỉ tư cách thành viên của Xyri, được Ngoại trưởng các nước thành viên đưa ra trước đó, bất chấp sự phản đối từ quốc gia thành viên Iran. Động thái này được cho là sẽ cô lập hơn nữa chính quyền của Tổng thống Basa An Átxát (Bashar al-Assad) sau khi Xyri bị đình chỉ tư cách thành viên Liên đoàn Arập (AL) hồi năm ngoái do hành vi trấn áp người biểu tình từ hồi tháng 3/2011.

Mỹ đã ngay lập tức hoan nghênh việc OIC đình chỉ tư cách thành viên của Xyri, cho rằng quyết định này đã gửi tới Đamát một "thông điệp mạnh mẽ".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Víchtoria Nulan (Victoria Nuland) nhấn mạnh: "quyết định đình chỉ tư cách thành viên Xyri ngày hôm nay đã chỉ ra rằng cộng đồng quốc tế ngày càng cô lập chế độ Átxát đồng thời ủng hộ rộng rãi nhân dân Xyri cũng như nỗ lực đấu tranh của họ vì một quốc gia dân chủ phản ánh nguyện vọng và tôn trọng quyền con người".

* Trong một diễn biến khác cùng ngày, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tuyên bố chấm dứt sứ mệnh của phái bộ giám sát LHQ tại Xyri (UNSMIS), trong bối cảnh tồn tại những chia rẽ sâu sắc giữa các nước về vấn đề Xyri. Theo tuyên bố này, UNSMIS sẽ chấm dứt hoạt động giám sát tại Xyri vào đêm ngày 20/8 tới, song vẫn duy trì một văn phòng liên lạc tại thủ đô Đamát.

Trước đó, do tình trạng bạo lực ngày càng leo thang từ giữa tháng 6, HĐBA đã cắt giảm số thành viên phái bộ này từ 300 người xuống còn 150 người và dự kiến sẽ còn nhiều người nữa rời đi trước cuối tuần này.

Ngày 15/8, Bộ Ngoại giao Nga hối thúc phái bộ giám sát LHQ tiếp tục ở lại Xyri vì cho rằng việc phái bộ trên rút lui sẽ gây ra "hậu quả vô cùng nghiêm trọng" cho quốc gia Trung Đông này. Nga cho rằng LHQ có thể thay đổi hình thức hoạt động của phái bộ này cho phù hợp với tình hình thực tế, chứ không nên rút toàn bộ nhân viên giám sát khỏi Xyri. Theo thông báo trên, sự hiện diện của phái bộ LHQ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin trực tiếp về tình hình đang diễn ra tại Xyri. Vì vậy, Nga ủng hộ tiếp tục gia hạn sứ mệnh của UNSMIS tại Xyri.

* Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 15/8 nhóm điều tra độc lập của LHQ về các vi phạm trong cuộc xung đột ở Xyri đã công bố báo cáo khẳng định cả chính phủ Xyri và các lực lượng đối lập đều phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Báo cáo do Ủy ban điều tra độc lập LHQ về Xyri (COI) thực hiện và công bố theo ủy quyền của Hội đồng Nhân quyền LHQ có trụ sở tại Giơnevơ (Geneva, Thụy Sỹ). Theo báo cáo này, khoảng 17.000 người, trong đó chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng kể từ khi bùng phát cuộc nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Átxát cách đây 17 tháng.

Kết quả điều tra của COI tính tới ngày 20/7, tình hình ở quốc gia Trung Đông này đã xấu đi trầm trọng trong 6 tháng qua. Xung đột và bạo lực vũ trang đã lan rộng ra cả những khu vực mới giữa các nhóm chống đối, lực lượng chính phủ Xyri và các thành viên của lực lượng dân quân do chính phủ kiểm soát.
Báo cáo cũng lưu ý tới tình trạng ngày càng nhiều những “chiến thuật tàn bạo” và các loại vũ khí mới được hai bên triển khai trong những tháng gần đây. Báo cáo kêu gọi cần phải có sự đồng thuận quốc tế nhằm chấm dứt bạo lực, mở đường cho một tiến trình chuyển đổi chính trị để phản ánh nguyện vọng của tất cả người dân Xyri. Dự kiến, báo cáo trên sẽ được trình lên phiên họp lần thứ 21 của Hội đồng Nhân quyền vào ngày 17/9 tới./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất