Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã quyết định tổ chức vòng đàm phán tiếp theo về chương trình hạt nhân của Tehran vào tháng tới, sau khi Iran đưa ra đề xuất mang tính khai thông tại vòng đàm phán vừa kết thúc ngày 16/10 ở thành phố Geneva của Thụy Sĩ.
Tuyên bố chung do Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton đọc trước báo giới trên cương vị người chủ trì, cho biết vòng đàm phán lần này diễn ra "thực chất, tạo cơ hội cho các vòng đàm phán tiếp theo". Đề xuất do Iran đưa ra là "nền tảng" và "sự đóng góp quan trọng" cho tiến trình đàm phán. Các bên nhất trí tổ chức vòng đàm phán tiếp theo trong các ngày 7-8/11 tới, cũng ở Geneva.
Tuyên bố ghi nhận sự thay đổi đáng chú ý từ phía Iran kể từ khi Tổng thống Hassan Rouhani lên cầm quyền sau cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua. Không cho biết cụ thể, song tuyên bố khẳng định kế hoạch đại cương do Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đưa ra có thể giúp xua tan nghi ngờ xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.
Theo nhà đàm phán Iran Abbas Araqchi, đề xuất của Iran bao gồm 3 bước nhằm giải quyết tranh cãi về chương trình hạt nhân của nước này trong vòng một năm tới, với bước đầu tiên có thể đạt được trong một, hai tháng tới hoặc thậm chí ít hơn. Các cuộc thanh sát hạt nhân đột xuất tại các cơ sở hạt nhân của Iran là một phần trong bước đi cuối cùng. Tuy nhiên, ông Araqchi khẳng định đề xuất mới liên quan đến những bước đi thích hợp "từ cả hai phía."
Liên quan kết quả vòng đàm phán mới, giới chức ngoại giao Mỹ nhận xét vòng đàm phán diễn ra căng thẳng, nhưng rất cụ thể và thẳng thắn. Phía Iran tham gia với thái độ nghiêm túc chưa từng có từ trước tới nay và đã tỏ ý sẵn sàng thu nhỏ quy mô các hoạt động hạt nhân nhạy cảm nhằm đổi lấy sự nới lỏng các đòn trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, Mỹ và Iran còn bất đồng về nội dung nới lỏng các biện pháp trừng phạt (nếu có) trong trường hợp Iran hạn chế chương trình hạt nhân và về lập trường cho rằng bất kỳ sự nới lỏng nào cũng phải phù hợp với hành động của Iran. Với những dấu hiệu tích cực này, Mỹ hy vọng hai bên sẽ bàn thảo các chi tiết liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran tại vòng đàm phán tiếp theo.
Đức cũng có thái độ tích cực, khẳng định vọng đàm phán mới làm gia tăng hy vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Iran. Nhà đàm phán Nga Sergei Ryabkov thừa nhận kết quả vòng đàm phán lần này khả quan hơn vòng đàm phán trước đó, diễn ra hồi tháng 4 vừa qua ở Kazakhstan. Tuy nhiên, ông cho biết các cuộc đàm phán diễn ra khó khăn, đôi lúc căng thẳng và đôi lúc không dự đoán được. Ông Ryabkov cho rằng vòng đàm phán này lẽ ra đã đạt kết quả tốt hơn và không thể đảm bảo tiến bộ cho vòng đàm phán tiếp theo do các bên tham gia còn "thiếu tin cậy lẫn nhau ở mức cần thiết."
Về phía Iran, Ngoại trưởng đồng thời là Trưởng phái đoàn đàm phán Zarif bày tỏ nguyện vọng muốn mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ ngoại giao giữa Iran với Mỹ và phương Tây sau hơn một thập kỷ căng thẳng. Phía Iran cũng ngỏ ý sẵn sàng cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc tiếp cận rộng rãi hơn với chương trình hạt nhân của nước này./.
(TTXVN)