Thứ Hai, 23/9/2024
Chính sách
Thứ Ba, 20/9/2011 20:58'(GMT+7)

Phải bắt đầu từ những viên gạch nhỏ

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Chúng ta đang đi từng bước để biến chủ trương thành hiện thực. Rõ ràng, ai cũng nhận thấy đó là công việc không phải của ngày một, ngày hai. Vậy bước đi như thế nào, cách làm ra sao để những chủ thể chính của chủ trương này được thừa hưởng những thành quả đó?

Xây những viên gạch nhỏ nhưng vững chãi và thiết thực được xem là phù hợp trong điều kiện và xu thế hiện nay của chúng ta.

CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn dường như là cụm từ quen thuộc và rất dễ dàng để đưa ra thành mục tiêu. Đương nhiên, nó cũng nằm trong kế hoạch chiến lược phát triển ngắn hạn, dài hạn, thậm chí… vô hạn xây dựng cho tương lai của nhiều địa phương. Đối với nhiều người, cả những cán bộ lãnh đạo, cụm từ này nghe thì trừu tượng nhưng lại có sức nặng ghê gớm để làm cơ sở xây dựng, đệ trình và lập nhiều dự án với tính khả thi được đánh giá là khá cao và dễ dàng được phê duyệt.

Mượn danh CNH - HĐH, người ta từng bước “bê tông hóa nông thôn”, những nhà máy lần lượt theo nhau về làng, kéo theo hàng loạt những hệ lụy. Và theo đó, đất nông nghiệp bị thu hẹp, người nông dân - chủ thể của quá trình này rất dễ bị “hất” ra khỏi vòng xoáy CNH - HĐH.

Phải hiểu rằng, CNH không chỉ đơn giản là chuyển hóa từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Trên thế giới, khi phát triển công nghiệp ồ ạt xong, khi bình tâm trở lại, người ta lại quay về với nông nghiệp và nhiều nước trở thành quốc gia văn minh về nông nghiệp, nghĩa là nông nghiệp ở trình độ rất cao.

Vậy CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn như thế nào và bắt đầu từ đâu? Câu trả lời thật khó thỏa đáng bởi hàng loạt vấn đề về nông nghiệp  - nông thôn - nông dân đang cần giải quyết. Tuy nhiên, suy cho cùng, mục tiêu hướng đến vẫn là con người. Có nghĩa, người nông dân phải được giải phóng khỏi nền sản xuất lạc hậu, manh mún và kém hiệu quả.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của chúng ta nhiều năm ì ạch, có rất nhiều nguyên nhân, song cơ bản vẫn là sự nóng vội trong tư duy của nhiều cán bộ lãnh đạo khi muốn đi tắt đón đầu và chuyển hóa thật nhanh nền sản xuất truyền thống sang hiện đại. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, tư duy lúa nước của người sản xuất không dễ áp dụng ngay một cách máy móc những thiết bị, công nghệ hiện đại và những nghiên cứu quá xa vời với chính bản thân họ. Có thời, người ta nói tới việc sử dụng máy bay gieo hạt, trong khi người nông dân chỉ ao ước giản đơn là sạ hàng, gieo vãi để thay thế cho hình thức cấy lúa nặng nhọc thủa nào.

Tổng kết chương trình đầu tư cho khoa học công nghệ mới đây của ngành nông nghiệp khiến nhiều người chợt giật mình: 1.000 tỷ đồng mỗi năm đầu tư cho công tác này không biết đã đi đâu, về đâu? Nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu xong để đấy, không áp dụng hoặc khó áp dụng, thiếu tính khả thi. Trong khi đó, những nghiên cứu, chế tạo của người nông dân lại nhanh chóng đi vào cuộc sống. Họ làm ra những công cụ, thiết bị để giải phóng sức lao động của chính mình. Rất dễ dàng nhận ra những sáng chế của nông dân trên đồng ruộng trong việc gieo hạt, tách hạt, gặt lúa hay những máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa tiện dụng, phù hợp với túi tiền và trình độ của người sản xuất. Thế nhưng, tiếc rằng, những sáng chế đó hiện mới chỉ nhận được bằng khen, chứ chưa có chính sách nào để tạo điều kiện đưa kết quả nghiên cứu của nông dân vào sản xuất.

Rõ ràng vấn đề CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn không thể có ngay những bước tiến dài của người không lồ, mà phải bắt đầu từ việc đặt từng viên gạch nhỏ, vững chãi và thiết thực, giúp người nông dân bớt phần nặng nhọc trong lao động sản xuất, tiến tới giải phóng sức lao động cho họ.

Những sáng chế nhỏ sẽ tạo nên những chuyển biến lớn, những nông dân nhỏ đang tạo thành những cánh đồng mẫu lớn - đó là câu chuyện thực tế đang hiển hiện của ngày hôm nay./.

(Theo: Tuyết Yến/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất