Thứ Hai, 23/9/2024
Chính sách
Thứ Hai, 29/8/2011 22:57'(GMT+7)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được kỳ thị, phân biệt đối xử với người được đặc xá

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trao quyết định đặc xá cho một số phạm nhân. Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trao quyết định đặc xá cho một số phạm nhân. Ảnh: Chinhphu.vn

Chiều 29/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá đến dự Lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại Trại giam Thanh Xuân.

Trại giam Thanh Xuân là một trong những trại giam đầu tiên trong cả nước công bố quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá tha tù năm 2011. Theo Quyết định của Chủ tịch nước, Trại giam Thanh Xuân có 148 phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn, trong đó có 65 phạm nhân nữ, 83 phạm nhân nam, 6 phạm nhân là người nước ngoài, phạm nhân cao tuổi nhất sinh năm 1940.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Quyết định đặc xá năm 2011 của Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với những người phạm tội đã thực sự hối lỗi, là mở lối về cho những người cải tạo tiến bộ.

Phó Thủ tướng mong muốn các phạm nhân được đặc xá tại Trại Thanh Xuân nói riêng, những người được đặc xá lần này nói chung cần ra sức rèn luyện, sớm hòa nhập cộng đồng, đóng góp thiết thực cho xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để các phạm nhân được được đặc xá hòa nhập cộng đồng, không được kỳ thị, phân biệt đối xử.

Phó Thủ tướng cũng mong các phạm nhân chưa được đặc xá tiếp tục rèn luyện để sớm được đặc xá và được đoàn tụ với gia đình.

Không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc, chị Lò Thị In, 30 tuổi, dân tộc Thái, ở huyện Mường La, Sơn La xúc động nói: “Tôi cảm ơn Đảng, Chính phủ đã mở lối khoan hồng cho con tôi cùng nhiều phạm nhân khác được trở về nhà trước thời hạn”.

Là một trong những phạm nhân nữ nhiều tuổi được đặc xá lần này, chị Dương Thị Hương, 53 tuổi, ở Phúc Xá, Hà Nội, án phạt 10 năm, đã thụ án được 6 năm cũng rơm rớm nước mắt khi mình được đoàn tụ với gia đình vào đúng ngày Tết Độc lập. Chị cho biết, thời gian “tạm trú” ở đây chị đã ngộ ra nhiều điều và quyết tâm hối cải, làm việc tốt để không phụ đặc ân mà Đảng và Nhà nước đã dành cho.

Riêng phạm nhân Phu Kẹo, 40 tuổi, tỉnh Hủa Phăn, Lào, vốn là giáo viên, nhưng đã bị ma túy lôi kéo và sa ngã, án phạt 15 năm, đã thụ án được 10 năm 4 tháng cho biết, anh rất cảm ơn chính sách khoan hồng và nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã cho anh lối về để làm lại cuộc đời sau hơn 10 năm cải tạo.

Thay mặt những phạm nhân được đặc xá tại Trại giam Thanh Xuân, phạm nhân Mã Thị Chung (35 tuổi, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) xúc động cho biết, những năm tháng sống, học tập và lao động cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân khắc ghi tấm lòng bao dung nhân ái, sự quan tâm giáo dục, cảm hóa thấm đậm tình người của Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ, giúp chị nhận thức được lỗi lầm mà bản thân đã gây ra để quyết tâm phấn đấu trở thành người lương thiện có ích.

Thay mặt những người được đặc xá, chị Chung hứa khi trở về sẽ nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi cũng kính mong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp tạo điều kiện cho chúng tôi tìm được việc làm, sớm ổn định cuộc sống, trở thành công dân lương thiện, có ích. 

Đại tá Phạm Quang Ngần, Giám thị Trại giam Thanh Xuân cho biết, các phạm nhân đều được hỗ trợ tiền tàu xe và được phát quần áo mới. Bên cạnh đó, Trại cũng hợp đồng với các nhà xe đưa đón người được đặc xá về các tỉnh xa như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.

Một số hình ảnh về buổi đặc xá ở Trại giam Thanh Xuân:

Người nhà ngóng chờ người thân của mình ở khu vực cổng Trại giam. Ảnh: Chinhphu.vn

Người được đặc xá được cấp phát tiền tàu xe, tiền ăn khi lên đường trở về với gia đình. Ảnh: Chinhphu.vn

Niền vui của một phụ nữ được đặc xá bên người thân.
                                                               Ảnh: Chinhphu.vn

(Cổng TTĐTCP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất