Sáng 4/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành,
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban
quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị
trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn năm 2021.
Hội nghị đã diễn ra trong bối cảnh cả
nước bắt đầu vào mùa mưa bão khi Biển Đông đón cơn bão số đầu tiên (bão
số 1) trong năm 2021 với tên quốc tế Choi-wan.
THIÊN TAI NGÀY CÀNG PHỨC TẠP, KHÓ LƯỜNG
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống
nhất nhận định, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Nếu không chủ
động phòng chống tích cực, thiệt hại sẽ rất lớn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự báo
số lượng bão, áp thấp trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta
có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN khoảng từ
12 - 14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5 - 7 cơn); nửa đầu
mùa (từ tháng 6 đến tháng 9), bão, ATNĐ sẽ tập trung ở khu vực Bắc và
giữa Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung
Bộ; vào thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng 9 đến tháng 11) sẽ tập trung ở
khu vực giữa và Nam Biển Đông, ảnh hưởng đến khu vực từ Bắc Trung Bộ trở
vào phía Nam.
Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng
không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có khả năng
sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt
mức xấp xỉ 41 - 42 độ C.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, trong
mùa mưa bão năm 2020, ngành khí tượng thủy văn đã cảnh báo sớm trước
bão 5 ngày; dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày; dự báo
trước 2 - 3 ngày đối với mưa lớn diện rộng với độ tin cậy trên 75%.
Về công tác dự báo, cảnh báo lũ quét,
sạt lở đất trong những năm qua có nhiều cải tiến. Những đợt lũ lớn có
thể cảnh báo trước 24 - 48 giờ. Dự báo các trận lũ lịch sử có trước 12 - 48
giờ.
"Hiện nay, do hạn chế về khoa học công
nghệ, chúng ta chưa dự báo được lũ quét, sạt lở đất mà mới chỉ ở mức độ
cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét ở một vùng hoặc một khu vực
rộng", ông Trần Hồng Thái nói. Ông đề xuất ưu tiên bố trí đủ nguồn lực
để triển khai các nhiệm vụ cấp bách, lâu dài về lập bản đồ phân vùng
cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét lớn.
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, những năm
gần đây, thiên tai ngày càng nghiêm trọng, điển hình là năm 2020. Tỉnh
đã “nếm trải” 21 loại hình thiên tai, trừ mỗi sóng thần. Tỉnh đề xuất
tăng cường tính chuyên nghiệp cho lực lượng phòng chống thiên tai, tìm
kiếm cứu nạn, đầu tư mua sắm các trang thiết bị chuyên dung; nâng cao
năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai.
Cùng quan điểm, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam
đề nghị rút ngắn thời gian cảnh báo lũ, sạt lở và có app (ứng dụng) trên
điện thoại để cảnh báo thiên tai “mưa như vậy thì ngập lụt bao nhiêu,
lũ như thế nào”.
Điều phối viên thường trú của Liên Hợp
Quốc (LHQ) tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra, đánh giá cao nỗ lực của
Chính phủ Việt Nam trong giảm thiểu rủi ro và ứng phó thiên tai. Tuy
nhiên, ông cảnh báo, tác động của các thiên tai gần đây cùng với đại
dịch COVID-19 đã cho thấy rằng các gia đình và các cộng đồng dễ bị tổn
thương, có khả năng tái nghèo cao hơn vì họ có khả năng phục hồi chậm
hơn. “Nếu không được giải quyết kịp thời, những mối nguy này có thể gây
ra tác động tích lũy nghiêm trọng về lâu dài”. Ông cho rằng, trong bối
cảnh đại dịch COVID-19, việc nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng và tăng
cường năng lực, cải thiện công tác lập kế hoạch và đặc biệt là ở các
địa phương sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam.
Ông khẳng định các cơ quan LHQ luôn sát
cánh cùng Việt Nam, “chúng tôi luôn cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam
trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và rủi ro liên quan đến biến đổi
khí hậu hết sức phức tạp và đa chiều này”.
(Ảnh: VGP)
ĐẦU TƯ PHẢI ĐỦ MẠNH
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu, Phó
Thủ tướng Lê Văn Thành nhất trí nhận định, trong những năm vừa qua, nhất
là năm 2020, thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tác động
rất lớn, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân.
Năm 2020, đã có tới 576 đợt thiên tai, 265 trận giông lốc, mưa lớn.
Thiên tai đã làm chết và mất tích 357 người, gây thiệt hại kinh tế gần
40.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng khẳng định, công tác
phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được Đảng, Nhà nước quan
tâm đặc biệt, được đầu tư cơ sở vật chất. Toàn hệ thống chính trị và các
tầng lớp nhân dân đã chủ động, tích cực tham gia. Nhờ vậy, chúng ta đã
hạn chế tới mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhân dân
luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền
trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các
cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, đặc biệt
là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia
ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống
thiên tai, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng quân đội, công an,
các cơ quan thông tấn báo chí và toàn thể nhân dân đã có nhiều nỗ lực,
cố gắng, góp phần tham gia giảm thiểu những hậu quả do thiên tai gây ra
trong năm vừa qua.
“Chúng ta cũng bày tỏ lòng chia sẻ và
tri ân đối với đồng bào, đồng chí đã hy sinh trong quá trình phòng,
chống thiên tai. Chúng ta cũng chia sẻ với các địa phương đã bị thiệt
hại lớn do thiên tai trong năm vừa qua”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt
được, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn
một số tồn tại và hạn chế. Theo Phó Thủ tướng, công tác lãnh đạo, chỉ
đạo và tổ chức thực hiện có lúc có nơi chưa được kịp thời, còn lúng
túng, bị động, thiếu toàn diện, trách nhiệm chưa cao, chưa rõ ràng.
Nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là còn
thấp. Trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ ứng phó với thiên tai,
tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu những phương tiện
chuyên dùng trong các tình huống phức tạp. Công tác khắc phục hậu quả,
phục hồi, tái thiết sau thiên tai còn chậm do thiếu nguồn lực.
Đối với nguyên nhân của các tồn tại, hạn
chế, Phó Thủ tướng cho rằng, về khách quan, các loại hình thiên tai
diễn ra rất khốc liệt, bất thường trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài
và đặc biệt là khó dự báo. “Do đó, đầu tư để cho phòng, chống thiên tai
phải đủ mạnh, cả về con người, bộ máy, trang thiết bị thì chúng ta mới
có thể khắc phục được, mới chủ động được”.
Về chủ quan, sự lãnh đạo, chỉ đạo có
lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa được kiên quyết. Một số nơi cấp ủy, tổ
chức đảng, chính quyền chưa nhận thức được tầm quan trọng, tính phức tạp
và nguy hiểm của thiên tai. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ
còn hạn chế. Vai trò của đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư, đặc
biệt là lực lượng xung kích cơ sở chưa được phát huy đầy đủ.
Về bài học kinh nghiệm, Phó Thủ tướng
nêu ra 2 vấn đề. Thứ nhất, công tác dự báo bảo đảm làm sao cho chính
xác. Thứ hai, vai trò của người đứng đầu, phải sâu sát, cụ thể, triệt để
thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, ở đâu mà người đứng đầu quan tâm tới
công tác phòng, chống thiên tai thì ở đó chủ động, thiệt hại được hạn
chế được.
LẤY AN TOÀN CỦA NGƯỜI DÂN LÀM THƯỚC ĐO HIỆU QUẢ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
Đánh giá tình hình thời gian tới, Phó
Thủ tướng nhấn mạnh, xu thế về biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức
tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, gây thiệt
hại ngày càng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tính mạng của
người dân.
Vì vậy, đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần phải được quan
tâm toàn diện hơn, đặc biệt “trong điều kiện chúng ta vừa phòng, chống
dịch COVID-19 mà trường hợp bão xảy ra thì phòng, chống bão đặt ra như
thế nào?”. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị
kịch bản ứng phó cho tình huống này khi năm nay, nước ta sẽ phải hứng
chịu 5 - 7 cơn bão vào đất liền.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng nhấn
mạnh quan điểm, “phải quyết tâm thật cao để làm sao hạn chế thấp nhất
thiệt hại của thiên tai trong năm 2021”. Đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản,
tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại
do thiên tai gây ra. “Tuyệt đối không được chủ quan”, Phó Thủ tướng lưu ý
và nhấn mạnh một số nhóm giải pháp.
Đối với các cơ quan Trung ương, cần tập
trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai,
bảo đảm kịp thời, chính xác. Cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác
nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống
theo dõi, giám sát thiên tai.
Các lực lượng làm công tác phòng ngừa,
ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương tới địa phương tiếp
tục tăng cường trang thiết bị. Ưu tiên bố trí ngân sách, tập trung xử lý
dứt điểm các công trình trọng điểm về đê điều, nhất là các tuyến đê
xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ
phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ. Từng bước chuyển đổi nghề cho
người dân ở các khu vực nguy hiểm.
Phát triển khoa học công nghệ và thúc
đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ưu tiên cho nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, công nghệ quan trắc,
theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai, ứng dụng
công nghệ thông tin, tự động hóa, vận hành công cụ hỗ trợ trong chỉ đạo
điều hành.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ, “nếu một khu
vực bị chia cắt do mưa bão mà chúng ta cứ tiến thẳng vào, như đợt vừa
rồi bị sạt lở thì rất nguy hiểm. Nhưng có những thiết bị có thể giúp
chúng ta quan sát từ xa, để có thể tránh những trường hợp thiệt hại đáng
tiếc”. “Do đó, đầu tư trang thiết bị không chỉ cho dự báo mà trong quá
trình cứu hộ, cứu nạn rất quan trọng”.
Đối với tình huống thiên tai và tìm kiếm
cứu nạn cụ thể, phải theo dõi thật chặt chẽ diễn biến, dự báo đúng tình
hình, chỉ đạo ứng phó thật kịp thời; khắc phục khẩn trương, có hiệu quả
với mục tiêu giảm thiệt hại về người và “lấy sự an toàn của người dân
làm thước đo cho kết quả hoạt động của phòng, chống thiên tai”. Bảo vệ
tính mạng người dân là đặt lên hàng đầu.
Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa
phương, Phó Thủ tướng nêu rõ, Bộ NN&PTNT giữ vai trò cơ quan thường
trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm điều phối chung. Cục Cứu hộ, cứu
nạn, Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự
cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giữ vai trò tham mưu để điều động lực
lượng, phương tiện, trong đó xác định lực lượng quân đội là lực lượng
chủ công tuyến đầu khi có tình huống xảy ra.
Bộ Công an sẵn sàng huy động lực lượng
tham gia ứng phó. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt công tác dự
báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác. Các Bộ: Giao thông
vận tải, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông và các
bộ, ban, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, sẵn sàng các kịch
bản để kịp thời ứng phó.
Các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan
trọng, quyết định trong tổ chức phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu
nạn; tiếp tục phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời,
hiệu quả, đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó trong tình hình
COVID-19 diễn biến phức tạp.
Các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung
ương tới địa phương thực hiện tốt công tác truyền thông, tăng cường
thông tin về các hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu hộ đến người
dân và các cấp chính quyền cơ sở, nhất là thông tin kịp thời trong quá
trình diễn biến của thiên tai để người dân cũng như chính quyền các địa
phương nắm bắt, có giải pháp phù hợp.
Trước phản ánh của các địa phương, Phó
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương rà soát lại các thủ tục liên
quan tới tái thiết các cái khu vực, các địa bàn, các địa phương bị ảnh
hưởng của thiên tai. Phó Thủ tướng lấy ví dụ, có địa bàn bị ảnh hưởng
bởi thiên tai, đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng
kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông nhưng thủ tục đầu tư còn chậm, có
công trình mất 1-2 năm chưa triển khai thi công được. Phó Thủ tướng đề
nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật liên
quan tới phòng, chống thiên tai./.
Đức Tuân (VGP)