Theo thống kê, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam có tại tất cả các tỉnh, thành phố với hàng trăm chủng loại khác nhau.
Tổng diện tích bị ô nhiễm bom mìn lên tới 6.6 triệu ha, chiếm khoảng 20,12% diện tích cả nước. Ước tính để dọn sạch bom mìn, vật liệu nổ trên toàn quốc sẽ phải mất hàng trăm năm với kinh phí lên tới khoảng 10 tỷ USD.
Những con số trên được đưa ra tại phiên khai mạc Hội thảo và trình diễn công nghệ trang thiết bị rà phá bom mìn tiên tiến, diễn ra sáng 24/11, tại Hà Nội.
Hoạt động do Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (Ban Chỉ đạo 504) cùng Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) và Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Geneva (GICHD) phối hợp tổ chức.
Tham dự buổi khai mạc có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và các công ty, đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực khắc phục bom mìn tại Việt Nam, các đơn vị chuyên nghiên cứu công nghệ, sản xuất thiết bị thiết bị rò mìn và thiết bị hỗ trợ.
Thiếu tướng Phạm Quang Xuân, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Phó Chủ tịch Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 nhấn mạnh, khắc phục bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là một vấn đề mang tính cấp thiết. Trên đất nước Việt Nam, số lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh lên tới hàng trăm ngàn tấn, hiện nằm rải rác ở tất cả 63/63 tỉnh thành phố trên cả nước.
Từ yêu cầu cấp thiết của thực tế, việc triển khai thực hiện công tác rà phá bom, mìn sau chiến tranh tại Việt Nam đòi hỏi phải được đầu tư nghiên cứu, chế tạo thiết bị có hàm lượng công nghệ cao và phù hợp để giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và an toàn nhằm đẩy nhanh tiến độ khắc phục bom mìn sau chiến tranh phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong hai ngày 24 và 25/11, các đại biểu sẽ nghe giới thiệu về tình trạng ô nhiễm bom mìn, những thách thức về công tác dò tìm bom mìn Việt Nam còn sót lại sau chiến tranh; trao đổi, thảo luận về những giải pháp công nghệ tiên tiến, hiệu quả phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế tại Việt Nam. Các hãng sản xuất, tổ chức nước ngoài giới thiệu và trình diễn về công nghệ, thiết bị rà phá bom mìn tiên tiến và xử lý bom mìn thu hồi sau dò tìm.
Công tác rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn thách thức như các khu vực bị ô nhiễm bom mìn phần lớn có địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp; bom mìn, vật nổ nằm ở các độ sâu khác nhau với nhiều dị vật nhiễm từ. Hoạt động rà, phát hiện bom mìn tại Việt Nam chủ yếu sử dụng thiết bị cá nhân vì địa hình không phù hợp với phương pháp dò tìm bằng cơ giới nên hiệu suất chưa cao; trang thiết bị xử lý bom mìn, vật nổ sau khi phát hiện còn thiếu và hiệu quả chưa cao.
Trước yêu cầu cấp thiết của công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.
Thời gian vừa qua, các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã tích cực triển khai các dự án của Chương trình như tiến hành điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc; xây dựng bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc tế về rà phá bom mìn; triển khai các dự án rà phá bom mìn; tăng cường tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng./.
(TTXVN)