Đó là khẳng định của ông Andrew Steer, Đặc phái viên đặc biệt của Ngân hàng Thế giới về Biến đổi khí hậu (BĐKH), vừa có chuyến thăm Việt Nam để thảo luận với Chính phủ về Hội nghị lần thứ 17 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP17) sắp tới sẽ diễn ra ở Durban, Nam Phi.
Vòng tiếp theo của cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ diễn ra tại Durban, Nam Phi từ ngày 28-11 đến 9-12. Trong hai ngày ở thăm Việt Nam 9 và 10-11, ông Steer đã truyền tải đến Chính phủ nhiều thông điệp về sự quan trọng của hội nghị này cũng như những gợi ý về vai trò hợp tác xây dựng của Việt Nam trong diễn đàn toàn cầu này. Ông lưu ý rằng đã có những bài học quan trọng từ Việt Nam trong cả vấn đề thích ứng và giảm nhẹ. Và điều quan trọng là cần đưa những chương trình hành động ở các nước trên thế giới thành những chương trình đàm phán trong những cuộc hội đàm ở Durban.
Sau đây là cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của ông trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam lần này.
- Thưa ông, Ngân hàng thế giới (WB) đã có những hoạt động nào để giúp đỡ Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH?
- Việt Nam đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi BĐKH, và WB đang điều chỉnh những chương trình của mình trên cơ sở cân nhắc đến yếu tố BĐKH. Thí dụ chúng tôi có những chương trình như giao thông, phát triển đô thị..., tất cả những chương trình này đều được chúng tôi điều chỉnh trên cơ sở cân nhắc khí hậu vẫn đang biến đổi. Ngoài ra, chúng tôi có những chương trình mục tiêu để nhằm ứng phó với BĐKH, như hỗ trợ cho Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh... vì BĐKH khiến mực nước biển tăng và ngập lụt sẽ xảy ra một cách thường xuyên hơn. Chúng tôi cũng đang chuyển sang làm những hoạt động liên quan đến quản lý rủi ro về thiên tai, vì chúng ta thấy rằng kèm theo BĐKH còn có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra và ngày càng trở nên phổ biến hơn như lũ lụt. Chúng tôi đang hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực như khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng mức độ sẵn sàng dựa vào cộng đồng ... để giúp Việt Nam ứng phó, chống chịu tốt hơn với BĐKH.
- Hội nghị COP 17 đang sắp diễn ra tại Durban, xin ông cho biết những vấn đề quan trọng của Hội nghị lần này? Và WB đã giúp Việt Nam chuẩn bị cho việc tham gia COP 17 như thế nào?
- Việt Nam đương nhiên sẽ đến dự Hội nghị COP 17 và WB đang hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam tham gia hội nghị này. Điều quan trọng là tại Hội nghị này, các nước phải đạt được những tiến bộ về những vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn còn chưa đi đúng hướng. Năm ngoái, tất cả các nước đã thống nhất với nhau rằng chúng ta phải đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ dưới 2oC, nhưng chúng ta không làm được. Mức tăng nhiệt độ hiện nay vẫn ở 3-5oC, và như thế nước biển sẽ tăng lên 1m, gây khó khăn cho nông nghiệp, thiên tai sẽ xảy ra trở nên phổ biến hơn, sâu bệnh nhiều hơn, và kèm theo là những hiện tượng thảm họa thiên nhiên khác. Tất cả những cái này sẽ ảnh hưởng xấu đến Việt Nam và các nước trên thế giới. Câu hỏi hiện nay là thế giới có đang làm những việc cần phải làm để ứng phó với BĐKH hay không, thì câu trả lời bây giờ là không. Hội nghị COP 17 tại Durban sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi ấy.
Ngoài ra, Hội nghị lần này còn bàn về việc thành lập Quỹ Xanh, quỹ này sẽ giúp cho những nước như Việt Nam trong việc tìm nguồn tài chính hỗ trợ ứng phó BĐKH. COP 17 còn đề cập đến việc thành lập một trung tâm công nghệ mà Việt Nam có vị thế tự nhiên để có thể trở thành nước chủ nhà của Trung tâm công nghệ của khu vực, Trung tâm này nhằm mang lại công nghệ cho các nước đang phát triển.
Một vấn đề nữa là hội nghị này sẽ đề cập đến vấn đề nông nghiệp trong bối cảnh BĐKH. Lâu nay chúng ta chưa bàn đầy đủ đến vấn đề này. Chúng ta thấy rằng nông dân bị ảnh hưởng bởi BĐKH, nhưng tất nhiên chính họ cũng hỗ trợ cho quá trình chung để ứng phó với BĐKH, vì nông nghiệp cũng là một ngành tạo ra tới 20% tổng lượng phát thải.
Việt Nam hiện nay đã có chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam rằng, tất nhiên, trong quá trình đàm phán tại COP 17 sẽ gặp khó khăn nhưng Việt Nam sẽ phải cố gắng để đạt được những lợi ích bằng nhiều biện pháp khác nhau.
- Theo ông, tiếng nói của Việt Nam sẽ có ảnh hưởng như thế nào tại COP 17?
- Việt Nam là một nước có uy tín tại diễn đàn này, và các nước cũng lắng nghe Việt Nam. Trong đàm phán Việt Nam nên liên kết với các nước khác. Thí dụ, nếu Việt Nam muốn đạt được những chương trình ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp thì cũng phải tham gia vào các liên minh, vì như thế sẽ dễ dàng đàm phán để đạt được những mục tiêu của mình. Tại Duban, Việt Nam cũng sẽ phải xem xét những vấn đề hội nghị bàn thảo và nỗ lực đưa ra những giải pháp về công nghệ và tìm kiếm những nguồn tài chính để giúp các bạn có thể thực hiện những hoạt động ứng phó với BĐKH. Chúng tôi tin rằng đoàn Việt Nam là những nhà đàm phán rất giỏi.
- Ông đánh giá như thế nào về chiến lược ứng phó với BĐKH của Việt Nam?
- Chúng ta thấy rằng những hoạt động như thích ứng, giảm thiểu rất quan trọng với Việt Nam, và các bạn đã có chiến lược quốc gia ứng phó với BĐKH. Vì Việt Nam sẽ ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH nên chiến lược này đã được cân nhắc rất kỹ, và chúng ta có thể nói rằng Việt Nam là một phần của giải pháp giúp cho cả thế giới ứng phó với BĐKH.
- Để thích ứng với BĐKH, nhiều nước trên thế giới đã theo xu hướng tăng trưởng xanh. Theo ông, tăng trưởng xanh là gì và làm thế nào để Việt Nam thúc đẩy được tăng trưởng xanh? WB có hỗ trợ gì cho Việt Nam trong việc tăng trưởng xanh?
- Về cơ bản, tăng trưởng xanh là làm mọi thứ với hiệu quả cao hơn, tức là những công việc chúng ta đang thực hiện sẽ không phải sử dụng quá nhiều nguồn lực, quá nhiều năng lượng và quá gây ô nhiễm. Tăng trưởng xanh cũng giống như giải pháp “được cả đôi đường”, vì nếu như chúng ta bảo đảm hiệu quả năng lượng thì nó cũng sẽ tiết kiệm kinh phí.
WB đang có một quỹ mang tên Quỹ Công nghệ xanh, đây là nguồn tiền ở mức lãi suất bằng 0 và tổng trị giá 215 triệu USD, giúp Việt Nam đầu tư vào mạng lưới điện thông minh giúp điện di chuyển trong hệ thống hiệu quả, không xảy ra lãng phí, vì trong lưới điện thông thường rất nhiều nguồn điện bị lãng phí trong quá trình chuyển tải, phân phối. Một đặc điểm nữa là tăng trưởng xanh thì chúng ta cũng phải ít gây ô nhiễm hơn, phải sử dụng những công nghệ mới trong sản xuất, có những cách thức mới để xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, tìm những cách làm mới trong nông nghiệp để ít gây ô nhiễm. Nói chung, tăng trưởng xanh là chúng ta phải làm mọi việc một cách hiệu quả. Nếu Chính phủ Việt Nam đưa ra được những chính sách hợp lý, thông minh, thì các bạn không chỉ tạo ra được môi trường ít ô nhiễm mà còn có nhiều việc làm cho người dân.
Trong những năm qua, Việt Nam đã là một trong những nước đi đầu trên thế giới về mặt tăng trưởng kinh tế, do vậy Việt Nam cũng có thể đi đầu trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Năm nay Việt Nam đã xuất khẩu 95 tỷ USD, so với trước đây, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, các bạn mới chỉ xuất khẩu 20 tỷ USD/năm thôi. Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh, và hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm để sản xuất ra những công nghệ xanh và xuất khẩu những sản phẩm xanh. Trung Quốc cũng đang đi theo hướng này. Chính phủ Việt Nam cũng rất sáng suốt khi đi theo con đường tăng trưởng xanh, tuy nhiên con đường này rất khó khăn, nhưng thế giới sẽ có những hỗ trợ và Việt Nam sẽ thành công.
Tháng 1 tới, WB sẽ đưa ra một báo cáo công phu về tăng trưởng xanh, trong đó sẽ nói đến định hướng phát triển đến năm 2020. Chúng tôi cũng mời Việt Nam tham gia diễn đàn tăng trưởng xanh, vì đến bây giờ, tất cả chúng ta cũng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa làm vừa học hỏi từ nhau.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Nhân Dân