Khi tai nạn giao thông đã xảy ra thì mọi từ “giá như” đều trở nên vô nghĩa vì chúng ta đã phải trả giá. Do đó, những người tham gia giao thông cũng cần phải tự nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình mình.
Những năm gần đây, tình trạng tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông đường thủy nói riêng ở nước ta thường xuyên được các phương tiện truyền thông cảnh báo.
Với nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng, vấn nạn này từng bước được kéo giảm (cả ba tiêu chí), nghĩa là các giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông đã có tác dụng. Thế nhưng trên thực tế, thi thoảng chúng ta lại phải chứng kiến những vụ tai nạn giao thông với sự mất mát đau lòng. Những ngày qua, cả nước chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn xảy ra tại tỉnh Khăm Muộn (Lào) khiến 8 người Việt Nam thiệt mạng thì lại đến vụ lật tàu chở khách du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng) khiến hơn 50 du khách gặp nạn và 3 người tử vong. Xa hơn nữa là những vụ cháy, chìm tàu khách trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), trên sông Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), những vụ chìm đò dọc, đò ngang diễn ra cũng khá phổ biến, gây ra thiệt hại không nhỏ về người và tài sản...
Có một điều không thể phủ nhận rằng, nguyên nhân xảy ra hầu hết các vụ tai nạn giao thông cả đường thủy và đường bộ đều có yếu tố chủ quan. Cơ quan điều tra đã chỉ ra những nguyên nhân cụ thể: Thứ nhất là người điều khiển phương tiện không hội tụ đủ các yếu tố theo quy định (trình độ, sức khỏe để điều khiển phương tiện; nhận thức về pháp luật trong bảo đảm an toàn giao thông...); thứ hai là phương tiện không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để tham gia giao thông; thứ ba là khả năng quản lý của các cơ quan chức năng về con người, độ an toàn của phương tiện khi lưu hành còn nhiều hạn chế. Trong đó, chỉ cần xuất hiện một nguyên nhân thì đã có thể gây ra tai nạn.
Xác định được nguyên nhân, nhưng để loại trừ các yếu tố ấy thì còn rất nhiều câu hỏi cần phải trả lời. Mới đây, sau khi tới tận nơi kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn trên sông Hàn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương yêu cầu các cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay, rà soát toàn bộ từ quy định, chế tài... cho đến các bến bãi, phương tiện, con người điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy. Những gì bất cập, yếu kém thì cần phải chấn chỉnh, khắc phục ngay. Có thể nói đây là một cuộc tổng rà soát mà nếu chúng ta làm kỹ càng thì chắc chắn sẽ hạn chế cơ bản các vụ tai nạn giao thông đường thủy. Trên “phát” thì dưới phải “động” mới có thể tạo ra hiệu quả trong đời sống xã hội. Từ trước đến nay, chúng ta đã nói nhiều về công tác bảo đảm an toàn giao thông, cả tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả cưỡng bức bằng các biện pháp xử phạt trên thực tế, thế nhưng dường như các biện pháp đó chưa đủ mạnh, hoặc là chưa thấm vào mỗi con người, do đó tai nạn giao thông vẫn còn là nỗi lo đối với toàn xã hội. Thời gian tới, các biện pháp nêu trên cần tiếp tục được thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ hơn thì mới mong việc bảo đảm an toàn giao thông có chuyển biến thực.
Khi tai nạn giao thông đã xảy ra thì mọi từ “giá như” đều trở nên vô nghĩa vì chúng ta đã phải trả giá. Do đó, những người tham gia giao thông cũng cần phải tự nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình mình. Sự chủ quan và sự bất tuân pháp luật của mỗi người trong tham gia giao thông đều có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Lời cảnh báo này có lẽ nhiều người biết, nhưng rất ít người nhớ và thực hiện. Ngày 4/6 vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng Bộ Quốc phòng đã tổ chức Chương trình “Người lính với an toàn giao thông” nhằm đem tới xã hội một thông điệp, một mô hình về công tác bảo đảm an toàn giao thông. Sau nhiều năm nỗ lực, tình hình an toàn giao thông trong quân đội có chuyển biến tích cực, giảm cả ba tiêu chí về tai nạn giao thông và đã từng bước hình thành “Văn hóa giao thông” trong các đơn vị quân đội. Một kinh nghiệm chủ yếu để tạo ra an toàn trong tham gia giao thông được phổ biến trong chương trình là “có phương tiện tốt và có con người tốt”. Kinh nghiệm này nếu được nhân rộng trong toàn quốc thì chắc chắn hiệu quả rất lớn.
Hình ảnh những người lính tham gia cứu hộ, cứu nạn trên sông Hàn hôm 5/6 vừa qua chắc còn in đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Những hình ảnh đó thật đáng quý nhưng không ai muốn phải chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm như vậy tái hiện. Nếu như mỗi người trong chúng ta luôn nỗ lực chấp hành các quy định, thì nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông mới có thể được ngăn chặn từ gốc./.
Trần Vũ (QĐND)