Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 2/6/2016 20:59'(GMT+7)

Tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế của Chính phủ mới đây, nhằm đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô, một trong những vấn đề trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo triển khai là đẩy nhanh các giải pháp để giải ngân các nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ, toàn diện.

Để thực hiện vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập tổ công tác rà soát mọi khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý, không để xảy ra tình trạng có vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) và các nguồn vốn khác còn dư nhưng không thể giải ngân được.

Sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhất là việc thành lập tổ công tác nêu trên là động thái cần thiết, kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển hiện nay. Theo báo cáo, trong 5 tháng đầu năm 2016, điểm sáng trong thu hút, sử dụng nguồn vốn đầu tư của cả nước là ở thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng khá so với cùng kỳ năm 2015 với mức vốn đăng ký đạt hơn 10 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 5,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi mới chỉ giải ngân được 900 triệu USD. Con số này còn ở mức thấp so với yêu cầu mức giải ngân bình quân mỗi năm đạt từ 5-6 tỷ USD trong Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt.

Nguồn vốn đầu tư là động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong những năm vừa qua, với sự phát triển ổn định, niềm tin và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện cho nguồn vốn ưu đãi, viện trợ của các tổ chức tín dụng, chính phủ các nước dành cho Việt Nam ngày càng tăng cao với tổng nguồn vốn đăng ký cam kết lên đến hơn 80 tỷ đô la. Các nguồn vốn này đã được đầu tư, sử dụng hiệu quả vào những dự án trọng điểm, then chốt như: Hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế…, góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu kinh tế, xã hội trong giai đoạn đổi mới.

Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nguồn ODA và vốn vay ưu đãi, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định là đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ dự án, không để lãng phí. Nếu để xảy ra lãng phí, kém hiệu quả hoặc nguồn vốn bị dư do giải ngân chậm sẽ làm tăng áp lực trả lãi suất cho vốn vay của Chính phủ ngày càng cao, chi phí phát sinh, dự án không đạt theo kế hoạch, hiệu quả và sâu xa hơn là làm mất niềm tin đối với các đơn vị tài trợ, viện trợ nguồn vốn.

Với kinh nghiệm trong tiếp nhận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi khác trong nhiều năm, nhiều chuyên gia cho rằng, từ chỉ đạo của Chính phủ trong rà soát, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được giao chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn đầu tư cần phải có chương trình hành động cụ thể, kiểm tra, giám sát sử dụng nguồn vốn, chuẩn bị nguồn vốn đối ứng để giải ngân theo giai đoạn, cải cách thủ tục, phân công trách nhiệm, chức năng quản lý đối với nguồn vốn. Chủ đầu tư các dự án phải nêu cao vai trò trách nhiệm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, chủ động giải quyết những khó khăn, đề xuất những giải pháp kịp thời để thực hiện dự án bảo đảm đúng tiến độ, phát huy hiệu quả nguồn vốn, không để dự án ì ạch, gây lãng phí. Nêu cao trách nhiệm và thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sử dụng, giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ chính là cách để các chủ đầu tư, doanh nghiệp đóng góp tích cực cho thúc đẩy tăng tưởng kinh tế, khẳng định niềm tin trước cộng đồng quốc tế về trách nhiệm và khả năng phát huy tốt các nguồn vốn ưu đãi trong điều hành kinh tế vĩ mô và hiệu quả từ cơ sở./.

Đặng Trung Kiên (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất