(TG) - Những chia sẻ chân thành, thẳng thắn, dám nói, dám nhận lỗi của tất cả mọi người là phương thức tuyên truyền ATGT hoàn toàn mới. Không còn những bài tuyên truyền mang tính sáo rỗng, những hình ảnh máu me rùng rợn hay hô hào khẩu hiệu thay vào đó là những chia sẻ chân thành, thẳng thắn, dám nói dám nhận lỗi của tất cả mọi người. Đây là phương thức tuyên truyền ATGT hoàn toàn mới của Ủy ban ATGT Quốc gia vừa triển khai và đang nhân rộng trên toàn quốc.
Sáng ngày 18/9, tại Trường THPT Kỳ Anh, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh, Ban ATGT TX Kỳ Anh tổ chức “Tọa đàm ATGT giữa chính quyền, nhà trường, học sinh và gia đình”. Tham gia chương trình có Phó bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GTVT Phạm Công Bổng, lãnh đạo địa phương cùng gần 2.000 học sinh, giáo viên và phụ huynh Trường THPT Kỳ Anh. Buổi tọa đàm do Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng chủ trì.
Mở đầu tọa đàm, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nói: “Hôm nay tôi sẽ không nhắc lại những câu chuyện đau thương, những hình ảnh máu me rùng rợn. Tôi cũng không nói về mục đích, ý nghĩa của hoạt động đảm bảo ATGT bởi tôi hiểu các em học sinh, phụ huynh ngồi đây đã hiểu rõ. Hôm nay, tôi muốn chúng ta tập trung lắng nghe, trao đổi và chia sẻ với nhau, tìm ra những cái chưa hoàn hảo để ngày mai khắc phục, làm nó tốt đẹp hơn”.
Ông Hùng cho biết: Theo số liệu từ Bộ Công an, mỗi năm nước ta có khoảng 8.000 người chết vì TNGT. Trong đó, TNGT xảy ra đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên chiếm 40%. TNGT gây thiệt hại trung bình 500 tỷ đồng/ngày (chiếm 2% GDP cả nước, gần bằng tổng thu ngân sách của cả tỉnh Bắc Kạn).
Để các em học sinh, phụ huynh và giáo viên hiểu rõ hơn những mối hiểm họa từ TNGT, ông Hùng đã nhờ lấy một chiếc mũ bảo hiểm từ nhà xe của giáo viên và gọi 50 em học sinh lên kiểm tra kiến thức về mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Một vài em cũng được yêu cầu về nhà xe lấy mũ bảo hiểm với sự giám sát của cán bộ đoàn thanh niên thị xã. 3 trong số 11 chiếc mũ được lấy lên là mũ thời trang, không phải là mũ đạt chuẩn; 1 chiếc là lấy từ xe của bạn. Dù ai cũng nói đúng “định nghĩa” mũ bảo hiểm đạt chuẩn, nhưng chính những giáo viên và học sinh trong trường vẫn sử dụng mũ rởm. Nguyên nhân có người nói vì ngại nặng, nhưng cũng có người chưa biết cách phân biệt thực tế. Chính ông Hùng phải chỉ lại cho các phụ huynh, giáo viên, học sinh cách chọn mũ cho chuẩn.
Tiếp đến, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đặt các câu hỏi nhanh cho các phụ huynh có mặt phía dưới. Nhiều phụ huynh thẳng thắn thừa nhận mình đã từng vừa lái xe chở con vừa nghe điện thoại, từng uống rượu xong vẫn điều khiển xe chở con về nhà. Sau đó, ông Hùng lại hỏi các em học sinh đã “bao giờ các em nói lời xin lỗi bố mẹ khi mắc lỗi?, đã bao giờ các em được bố mẹ nói lời xin lỗi?”. 100% học sinh trong trường từng phải xin lỗi bố mẹ, nhưng chỉ có 7 em từng được bố mẹ xin lỗi.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Vì tương lai của con cái, bố mẹ sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc để cho con đi học. Thế nhưng đôi khi người lớn cũng ngại không dám nhận lỗi sai do mình gây ra. Nhận lỗi chính là sự nêu gương, nhận lỗi là sự quả cảm tìm ra những cái chưa hoàn hảo để ngày mai tốt đẹp hơn. Muốn con cái chấp hành nghiêm pháp luật ATGT, muốn con cái được an toàn thì trước tiên phụ huynh, thày cô và chính quyền địa phương phải làm gương cho các con, các em. Còn về các em, hãy tự bảo vệ mình mọi lúc mọi nơi và sẵn sàng nhắc nhở, phê bình bố mẹ, thầy cô khi người lớn làm chưa đúng”./.
Văn Thanh