Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 3/7/2017 20:13'(GMT+7)

"Phải xử lý cả cơ quan chủ quản khi tòa soạn báo trực thuộc vi phạm"

Nhà báo Duy Phong (bên phải) tại hiện trường vụ bắt giữ.

Nhà báo Duy Phong (bên phải) tại hiện trường vụ bắt giữ.

Theo Bộ trưởng, hiện công tác quản lý báo chí trực thuộc tại các ngành, hiệp hội vẫn chưa được chặt chẽ, do vậy lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, khi phóng viên vi phạm trong quá trình tác nghiệp, ngoài việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo tòa soạn báo thì cần xử lý cả cơ quan chủ quản của tờ báo đó khi vụ việc ở mức nghiêm trọng.

Qua vụ việc của nhà báo Lê Duy Phong bị truy tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", xảy ra ngày 22/6, tại tổ 66 phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cảnh báo hiện tượng một số phóng viên câu kết thành nhóm để "đánh hội đồng" nhằm trục lợi.

​Nêu rõ về thực trạng "Sáng đăng báo, trưa gặp gỡ doanh nghiệp rồi chiều gỡ bài", lãnh đạo Bộ ​Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện tượng này vẫn còn tồn tại ở một số báo.

"Trách nhiệm Cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý hậu kiểm, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng phải xử lý cả cơ quan chủ quản khi tờ báo trực thuộc sai phạm nghiêm trọng trong việc đăng tin, bài," Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kiến nghị.

​Trước ý kiến đưa ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về báo chí, đông thời xử lý nghiêm khi phát hiện tình trạng tiêu cực trong báo chí.

Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chủ quan tăng cường công tác quản lý các tờ báo ​trực thuộc ngành.

Trước đó, ngày 16/6/2017, nhà báo Duy Phong đã lên Yên Bái gặp Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái Vũ Xuân Sáng. Trong buổi gặp, nhà báo Lê Duy Phong đã nêu một số vi phạm liên quan đến quản lý nhà nước về kế hoạch đầu tư của Yên Bái và yêu cầu ông Sáng chuyển cho nhà báo này 200 triệu đồng.

Ngày 22/6, cơ quan Công an thành phố Yên Bái đã bắt quả tang nhà báo Duy Phong đang nhận 50 triệu đồng của một doanh nghiệp. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo Duy Phong để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến hành vi đưa tiền của ông Vũ Xuân Sáng, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) cho biết cơ quan Công an đang tập trung điều tra làm rõ, đồng thời cho biết Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chức năng thực hiện việc giám sát quá trình điều tra để đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Mới đây, ngày 29/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Lê Duy Phong (bút danh Hải Ninh) vì đã bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"./.

Quảng Dũng (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống ở Quảng Ninh

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống ở Quảng Ninh Chu Thị Tươi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”; Công văn số 367-CV/TU ngày 26/3/2008 của Tỉnh ủy “về đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống” các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị và nghiêm túc triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị. Xác định việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, quan tâm, đầu tư kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cũng như bố trí cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các ngành cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm phụ trách công tác lịch sử Đảng các cấp. Chính vì thế, công tác nghiên cứu, biên soạn và phát hành lịch sử trong toàn tỉnh giai đoạn 2002-2017 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết phải biên tập lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống; đồng thời giúp nắm rõ và hiểu hơn về lịch sử Đảng bộ tỉnh, địa phương và truyền thống ngành, đơn vị; khơi dậy lòng tự hào với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh, đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố và lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh có bước phát triển rõ rệt. Số lượng các ấn phẩm được xuất bản nhiều, chất lượng ngày càng được nâng cao. Các ấn phẩm đã tái hiện một cách đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử chung của toàn Đảng và lịch sử dân tộc, góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh nói riêng và của toàn Đảng nói chung trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết quả cụ thể: Đối với cấp tỉnh: từ năm 2002 đến nay, Đảng bộ tỉnh đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và tái bản được 08 công trình, tiêu biểu như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập 3, tập 4; cuốn Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (1965-2005); cuốn Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh...Đặc biệt đang tiến hành nghiên cứu, biên soạn cuốn Quảng Ninh 30 năm đổi mới cùng đất nước, dự kiến xuất bản quý IV/2017. Cuốn sách tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận - thực tiễn cốt yếu của 30 năm đổi mới (1986-2016); tập trung đánh giá đầy đủ, chính xác, khoa học quá trình đổi mới toàn diện của Quảng Ninh trong 30 năm; phản ánh những kết quả đã đạt được, cũng như những thời cơ, thách thức, hạn chế... từ đó rút ra những bài học thiết thực, tiếp tục bổ sung, phát triển đường lối, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới ở Quảng Ninh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, từ năm 2002 đến nay đã có 24 đơn vị với 38 ấn phẩm về lịch sử truyền thống, công trình lịch sử được xuất bản. Một số đơn vị tiêu biểu trong công tác biên soạn, xuất bản lịch sử như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở Công thương, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh, Hội Phụ nữ tỉnh... Đối với cấp cơ sở: tính đến tháng 5/2017, 19/21 đảng bộ trực thuộc tỉnh đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành, với 44 công trình lịch sử, gồm các cuốn lịch sử Đảng bộ, các đặc san, biên niên sự kiện, sách lịch sử chuyên đề.... 02 đảng bộ đang hoàn thành việc biên soạn lịch sử là huyện Hải Hà, Đảng bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. 140/186 xã, phường, thị trấn; 62 ban, ngành, đơn vị cấp huyện hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống. Nhiều đảng bộ có 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ cấp xã và làm tốt công tác lịch sử truyền thống như thành phố Uông Bí, Cẩm Phả, thị xã Đông Triều, huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà... Riêng đối với lực lượng vũ trang, đến nay 10/14 đơn vị hoàn thành lịch sử Đảng bộ quân sự cấp huyện; 14/14 đơn vị hoàn thành lịch sử lực lượng vũ trang cấp huyện. Nhìn chung các ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các địa phương, đơn vị đều đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính thống nhất chung với lịch sử Đảng bộ Tỉnh và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo của từng địa phương, đơn vị. Trong đó, đảm bảo tính chuẩn xác các sự kiện lịch sử, quá trình lãnh đạo của các đảng bộ qua các thời kỳ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao... Nêu được đầy đủ vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên của địa phương; quá trình hình thành và phát triển với những nét văn hóa riêng có, tiêu biểu; những nét đẹp trở thành truyền thống của con người Quảng Ninh, tinh thần của công nhân vùng Mỏ. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và phát triển của Tỉnh trong thời gian tới. Việc nghiên cứu, biên tập cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đều được chuẩn bị, xây dựng công phu, nghiêm túc, cẩn thận; đồng thời có sự quan tâm, giúp đỡ, cộng tác tích cực của các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng qua các thời kỳ, qua đó tái hiện một cách chân thực, đầy đủ lịch sử đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị. Các ấn phẩm lịch sử sau khi phát hành đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đón đọc, góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước; khích lệ lòng tự hào, tinh thần thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn, bất cập trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, như: một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm dành thời gian, kinh phí thỏa đáng cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục, giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của đơn vị, địa phương. Chưa tích cực kiểm tra, đôn đốc để công tác nghiên cứu, biên soạn thực hiện đúng kế hoạch. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của các địa phương, đơn vị thường xuyên có sự luân chuyển; nhân chứng lịch sử đa số là tuổi cao, sức yếu; công tác lưu trữ chưa được quan tâm đúng mức, tư liệu lịch sử bị thất lạc nhiều... đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống. Chất lượng biên soạn, biên tập lịch sử ở một số địa phương, đơn vị chưa cao, còn sơ sài, nặng về miêu tả, diễn biến sự kiện, chưa chú trọng đúng mức đến tính khái quát, tổng kết thực tiễn. Một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống: Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 15-CT/TW và các văn bản chỉ của Tỉnh và địa phương, đơn vị về đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về lịch sử của đất nước và của Đảng bộ tỉnh, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, đơn vị Hai là, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác lưu trữ, bảo quản, khai thác các nguồn tư liệu để bổ sung phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn tái bản lần sau. Nâng cao chất lượng biên soạn các ấn phẩm theo hướng chú trọng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn qua các thời kỳ cách mạng, có sự phân tích lịch sử, phản ánh khách quan, khoa học những thành tựu, đóng góp của đảng bộ và nhân dân địa phương với phong trào cách mạng chung của tỉnh và đất nước. Ba là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Quan tâm bố trí, đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, nhất là cán bộ chuyên trách, có chuyên môn được đào tạo theo hướng ổn định. Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị tới đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Hình thức tuyên truyền cần phong phú, sinh động, rộng khắp và phù hợp với từng đối tượng; coi trọng đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử tại các cơ sở giáo dục, nhà trường; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trực quan, bằng phim tài liệu, tham quan thực tế... tạo lôi cuốn, hấp dẫn đối với học viên, học sinh, sinh viên./.

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất