Thứ Năm, 3/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 24/4/2009 16:23'(GMT+7)

Phần mềm VN vẫn có cơ hội trong suy thoái

Trong bối cảnh suy thoái, ngành phần mềm Việt Nam vẫn có những cơ hội mới.

Trong bối cảnh suy thoái, ngành phần mềm Việt Nam vẫn có những cơ hội mới.

Tại hội thảo “Thách thức và triển vọng đối với ngành phần mềm Việt Nam” do Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) và Bộ TT&TT tổ chức (ngày 23/4), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa cho rằng chưa bao giờ ngành phần mềm Việt Nam lại hiện rõ nét hai mảng sáng tối như hiện nay. Đó là cơ hội và cũng là thách thức với các doanh nghiệp.

Phần mềm trong vòng xoáy khủng hoảng

Theo ông Bình, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến sự đình trệ sản xuất ở khắp nơi trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Nhiều khách hàng hiện nay không còn bàn bạc đến gia công phần mềm nữa. Mảng phần mềm phục vụ cho doanh nghiệp cũng bị tác động nặng nề do các doanh nghiệp hiện tập trung chống chọi suy thoái để tồn tại.

Chủ tịch Vinasa dự báo xuất khẩu phần mềm Việt Nam năm nay chỉ tăng trưởng khoảng 10% trong năm nay, so với mức tăng 20% của năm 2008 và 40% của các năm trước đó.

Ông Lữ Thành Long, Tổng giám đốc Công ty phần mềm MISA, cho rằng khó khăn của nền kinh tế đã khiến cho các doanh nghiệp trong nước ngần ngại khi quyết định mua phần mềm. Nhu cầu phần mềm từ khối chính Phủ cũng bị ảnh hưởng nặng sau khi có chủ trương cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách. Với MISA, theo ông Long, doanh thu hiện vẫn đạt tăng trưởng 40% nhưng lợi nhuận thấp hơn nhiều so với thời điểm chưa bị suy thoái kinh tế.

Ở thị trường người dùng cá nhân, theo ông Nguyễn Lâm, đại diện hãng nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam, suy thoái kinh tế ảnh hưởng đáng kể đến chi tiêu CNTT của người dân, bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm với tác động của nền kinh tế. Theo dự báo mới nhất của IDC, chi tiêu cho CNTT của Việt Nam năm nay đạt khoảng trên 2,2 tỷ USD trong năm 2009, giảm 102 triệu USD so với dự báo đưa ra trước đó của hãng nghiên cứu này.

Cơ hội từ suy thoái

Mặc dù vậy, các chuyên gia và các doanh nghiệp cũng nhìn nhận suy thoái kinh tế đang tạo ra cơ hội mới cho ngành phần mềm Việt Nam.

Mới đây, Chính phủ thông báo kế hoạch chi khoảng 8 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế Việt Nam chống suy thoái, trong đó có hỗ trợ chi tiêu cho phần mềm. Việc Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ nhà nước giai đoạn 2009-2010 và kế hoạch chi 980 tỷ đồng thúc đẩy công nghiệp nội dung số cũng được nhìn nhận sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu chi tiêu và phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Bình, suy thoái kinh tế cũng là lúc các khách hàng lớn trong lĩnh vực phần mềm tìm đến những thị trường gia công giá rẻ. Điều đó tạo cơ hội cho Việt Nam - nơi có giá rẻ hơn 30% so với Ấn Độ và Trung Quốc.

Một cơ hội nữa theo ông Bình, đó là xu hướng công nghệ thế giới đang chuyển sang điện toán đám mây, nghĩa là các doanh nghiệp dùng chung các dịch vụ phần mềm như chúng ta đang dùng điện hiện nay. Xu hướng này tạo ra nhu cầu chuyển dịch các hệ thống điện toán lớn từ châu Âu về châu Á. Điều đó cũng tạo ra thị trường gia công chuyển dịch các hệ thống đó, như vậy mang lại cơ hội cho Việt Nam nhờ thế mạnh về giá cạnh tranh hơn các nước.

Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội mới, ông Bình cho rằng trong lúc suy thoái, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao sức cạnh tranh nội tại, dịch chuyển dịch vụ sang hướng nghiên cứu và tăng cường đào tạo nhân lực.

Việt Nam cần có đại sứ phần mềm ở nước ngoài

Ông Paul Smith, Tổng giám đốc gia công toàn cầu của Công ty Harvey Nash (Anh) nhận định Việt Nam muốn phát triển ngành gia công phần mềm, cần có chiến lược đưa thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế. Trước khi sang Việt Nam, tôi đã khảo sát thử câu hỏi 6 đối tác của mình, hỏi họ có nhận đươc thư giới thiệu nào từ doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, không ai trong số những người này nói họ nhận được, trong khi đó họ nhận được hàng trăm thư giới thiệu từ các doanh nghiệp phần mềm Ấn Độ.

Không chỉ đưa thương hiệu Việt Nam đến quốc tế, Việt Nam cần tiếp cận các hội đồng doanh nghiệp của các nước để đưa họ tới thăm Việt Nam. Trong hơn 20 giám đốc doanh nghiệp phần mềm tôi giới thiệu đến Việt Nam, có tới 30% trong số này nói sẽ đến Việt Nam kinh doanh. Đó là tỷ lệ rất cao.

Ngoài ra, Việt Nam nên chỉ định về đại sứ phần mềm ở nước ngoài, không nhất thiết là người Việt Nam, có thể là doanh nghiệp, là đối tác để họ quảng bá thương hiệu phần mềm Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có trang web tiếng Anh để quảng bá mình với thế giới.

(Theo ICTnews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất