Cộng đồng quốc tế tiếp tục có những phản ứng trái chiều về bài phát biểu ngày 31/8 của Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama về khả năng tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ để tấn công vào Syria.
Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy một hành động quân sự chống lại chính quyền Tổng thống al-Assad trong khi một vài nước khác lại đặt vấn đề về "vai trò của ông chủ Nhà Trắng" trong việc giải quyết tình hình Syria.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngay sau khi Tổng thống Obama quyết định xin phép Quốc hội trước khi có hành động quân sự đối với Syria, Tổng thống Pháp François Hollande đã điện đàm với Tổng thống Obama và tái khẳng định rằng Paris luôn sát cánh cùng Washington để ngăn chặn chế độ của Tổng thống al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại phe đối lập và thường dân.
Theo Hiến pháp của Pháp, Tổng thống Hollande có thể quyết định thực thi một hành động quân sự mà mà không cần sự chấp thuận sơ bộ của Quốc hội Pháp, song Tổng thống có trách nhiệm thông báo cho các nghị sỹ trong vòng ba ngày sau khi có sự can thiệp quân sự.
Trước đó, ngày 28/8, Chính phủ Pháp đã kêu gọi Quốc hội họp khẩn cấp để thảo luận tình hình Syria.
Tại Israel, động thái của Tổng thống Obama đã được đón nhận với thái độ hoài nghi sâu sắc. Giới chức và các nhà phân tích Israel đã chỉ trích Tổng thống Obama về việc làm cho Mỹ dường như yếu đi trong khu vực khi do dự trong việc thực thi "giới hạn đỏ."
Trước đó, các bộ trưởng cấp cao trong Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã lên tiếng công khai ủng hộ việc can thiệp quân sự của Mỹ trước các vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Israel là nước đã cũng cấp các thông tin tình báo cho Mỹ để hỗ trợ chứng minh rằng quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước cũng đã lên tiếng kêu gọi tấn công quân sự chống lại chính quyền Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết Ankara không muốn có sự trì hoãn, nhưng "tôn trọng các hoạt động nội bộ của nền dân chủ Mỹ."
Trước đó, ngày 30/8, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan khẳng định sự can thiệp chống lại Syria nên hướng tới mục tiêu chấm dứt sự cai trị của Tổng thống al-Assad và không ủng hộ các cuộc tấn công hạn chế.
Saudi Arabia, một quốc gia khác thúc đẩy mạnh mẽ hành động cứng rắn đối với chính quyền al-Assad, chưa phản ứng gì trước các động thái mới của Tổng thống Obama.
Tại châu Âu, một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Italy và Hy Lạp, đã cảnh báo sẽ phản đối mọi hành động quân sự.
Trong khi EU dễ dàng thông qua một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền Damascus, trong đó có lệnh cấm vận năng lượng, thì liên minh này lại bị chia rẽ sâu sắc về việc có nên tài trợ vũ khí cho phe đối lập Syria hay không.
Tại Anh, đồng minh thân cận của Mỹ, Quốc hội đã bỏ phiếu bác bỏ đề xuất tham chiến của Thủ tướng David Cameron.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel và Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin đã thống nhất trong cuộc điện đàm mới đây rằng cuộc khủng hoảng ở Syria chỉ có thể được giải quyết bằng các biện pháp chính trị, thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trên trang Twitter cá nhân, ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) nêu rõ Tổng thống Obama sẽ tìm cách dùng Hội nghị G-20 để tìm kiếm sự ủng hộ đối với cuộc tấn công vào Syria.
Trong khi đó, ngày 1/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc- Ban Ki-moon đã hối thúc các thanh sát viên vũ khí hóa học Liên hợp quốc nhanh chóng đưa ra kết quả điều tra vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry tuyên bố Washington có bằng chứng về việc sử dụng khí độc sarin trong vụ tấn công ở ngoại ô Damascus, và ông đã hối thúc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu ủng hộ hành động quân sự nhằm vào Syria.
Phát biểu trên kênh truyền hình NBC, ông Kerry nói giới phân tích tình báo đã tìm hiểu về các mẫu vật được cung cấp cho Mỹ và cũng đã được các chuyên gia y tế có mặt đầu tiên tại phía Đông Damascus kiểm tra.
Kết quả ban đầu cho thấy các mẫu tóc và máu của nạn nhân có phản ứng dương tính đối với các dấu hiệu của chất độc sarin.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Syria, ông Faisal Muqdad một lần nữa đã thẳng thừng bác bỏ việc chính quyền Syria đứng đằng sau vụ tấn công bằng chất độc hóa học hôm 21/8
Cùng ngày, nhật báo Almasry Alyoum của Ai Cập dẫn lời người phát ngôn của Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL), ông Nassif Hatta phủ nhận tin đồn về việc tổ chức này ủng hộ cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Syria.
Trong một thông cáo báo chí công bố sau hội nghị ngoại trưởng AL ngày 1/9 tại Cairo, ông Hatta nêu rõ AL đã không bật đèn xanh cho mọi hành động quân sự chống Syria, đồng thời cho biết mục tiêu chính của hội nghị là thúc đẩy Hội nghị hòa bình Geneva II đi đến thành công.
Thủ lĩnh tối cao của dòng Hồi giáo Sunni tại Cairo, ông Al-Azhar, cùng ngày đã lên tiếng cực lực phản đối bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Syria, cho rằng mọi hành động tương tự đều gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh quốc tế./.
(TTXVN)