Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/7 đã chủ trì một cuộc họp nội các chung nhằm thể hiện quyết tâm của hai nước trong nỗ lực cải cách Liên minh châu Âu (EU).
Trong cuộc họp diễn ra tại Điện Elysee, Tổng thống Pháp đã nhắc lại những đề xuất cải cách chủ chốt của mình, bao gồm thành lập một ngân sách riêng cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), thành lập cơ quan lập pháp riêng và bổ nhiệm bộ trưởng tài chính của khối.
Những đề xuất này nếu muốn thành hiện thực sẽ cần những thay đổi trong các hiệp ước của EU.
Trước đó, Berlin cũng đã khẳng định sẵn sàng hậu thuẫn những đề xuất này nếu chúng giúp củng cố cấu trúc nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.
Một nguồn tin cho biết trong cuộc gặp, các bộ trưởng tài chính hai nước cũng đã công bố lộ trình nhằm cân bằng mức thuế doanh nghiệp giữa 2 nước.
Trả lời phỏng vấn tờ Ouest France, Tổng thống Macron cho rằng EU hiện vẫn là một dự án chưa hoàn chỉnh và cần thay đổi những hiệp ước của khối để mang lại sự thống nhất hơn giữa các quốc gia thành viên của Eurozone.
Nhận định nước Đức đang được hưởng lợi từ "sự hoạt động sai lệch" của Eurozone cũng như sự yếu kém của một số nền kinh tế, ông Macron kêu gọi Thủ tướng Đức phải hành động để sửa chữa những vấn đề này.
Theo ông, Pháp cần cải tổ nền kinh tế để trở nên mạnh mẽ hơn song Đức phải hỗ trợ cho sự hồi sinh những khoản đầu tư công và tư vào châu Âu.
Thủ tướng Merkel đã đồng ý cân nhắc vấn đề này, nhưng giới quan sát cho rằng bất kỳ động thái nào đều phải chờ sau cuộc tổng tuyển cử tại Đức vào tháng 10 tới.
Dự kiến sau cuộc họp này, bà Merkel và ông Macron sẽ có cuộc gặp cùng các quan chức đứng đầu Bộ Quốc phòng và An ninh hai nước để thảo luận về vấn đề quốc phòng và chống khủng bố.
Cuộc họp báo chung sau đó sẽ diễn ra lúc 12 giờ theo giờ GMT (tức 19 giờ theo giờ Việt Nam). Hồi tháng 4 vừa qua, Đức và Pháp cũng đã tiến hành một cuộc họp nội các chung.
Cuộc họp chung trên diễn ra ngay trước cuộc gặp của Tổng thống Pháp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump với mục tiêu gạt bỏ những bất đồng về thương mại và biến đổi khí hậu.
EU hiện vẫn vật lộn với những ảnh hưởng từ sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi EU. Trong khi đó, làn sóng bảo hộ thương mại đang mạnh dần lên với sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump./.
Theo TTXVN