Phát biểu với giới ngoại giao tại Paris, Tổng thống Macron nhận định
rằng cộng đồng quốc tế không nên cho rằng sự tham gia của một số ít
cường quốc nhất định nào đó trong cuộc khủng hoảng ở Syria là có thể
giúp tìm được một giải pháp ổn định và lâu dài cho tình hình Syria hiện
nay.
Theo ông, Liên hợp quốc, các nước trong khu vực Trung Đông, châu Âu và Mỹ cần có trách nhiệm lớn hơn trong vấn đề này.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp cho rằng hòa bình tại Syria và nước láng
giềng Iraq là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn mọi sự trỗi dậy của lực
lượng thánh chiến sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh
bại về mặt quân sự.
Theo ông, Paris sẽ tập trung nỗ lực nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử tại Iraq sắp tới diễn ra an toàn và tự do.
Tổng thống Macron đưa ra nhận định trên trong bối cảnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ
và Iran đang chuẩn bị cho Đại hội đối thoại dân tộc Syria diễn ra vào
ngày 29-30/1 tới tại thành phố Sochi với sự tham dự của hơn 1.700 người.
Dự kiến, tại đại hội do Tổng thống Nga Vladimir Purinchủ trì, các bên sẽ
thảo luận việc soạn thảo Hiến pháp Syria mới và dựa trên cơ sở bản Hiến
pháp mới này sẽ tiến hành bầu cử dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, một số nhóm đối lập tại Syria tuyên bố không tham gia sự kiện
này. Hàng chục nhóm xã hội dân sự tại Syria cho rằng đại hội này sẽ
củng cố vị thế của chính quyền Damascus, đồng thời hối thúc Đặc phái
viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura không tham dự sự kiện
trên với lý do đây là bước khởi đầu tách khỏi tiến trình hòa đàm Geneva.
Hiện ông Mistura chưa xác nhận sẽ tham gia đại hội trên, đồng thời cho
biết ông phản đối mọi hoạt động cản trở tiến trình hòa đàm do Liên hợp
quốc bảo trợ. Vòng hòa đàm thứ 8 về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ diễn
ra tại Geneva, Thụy Sĩ hồi trung tuần tháng 12/2017 đã không đạt được
tiến triển khi ông Mistura cho rằng "cơ hội vàng đã bị bỏ lỡ” và tình
hình rơi vào ngõ cụt.
Theo thống kê, cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria đã cướp đi
hơn 340.000 sinh mạng. Syria cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân
đạo lớn nhất trong lịch sử nước này, với 7 triệu người phải đi sơ tán ở
trong nước và 5,3 triệu người đi di tản ở nhiều nước khác.
Trong khi đó, 10 triệu người khác dù không dời bỏ nhà cửa nhưng đang phải sống trong cảnh khó khăn./.
Theo TTXVN