Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 23/1 công bố nghiên cứu cho thấy tổng chi xã hội của Pháp cho chương trình y tế, các khoản trợ cấp và các dịch vụ xã hội khác trong năm 2018 chiếm tới 32% GDP của nước này, tăng mạnh so với mức 25% GDP của năm 1990 và tăng gần gấp 3 lần so với mức 12% GDP của năm 1960.
Trên thực tế, tăng chi tiêu xã hội không chỉ là xu hướng ở Pháp, mà đây là xu hướng chung ở các nước phát triển, qua đó phản ánh sự phát triển của hệ thống phúc lợi xã hội ngày càng toàn diện hơn, các khoản chi trợ cấp cũng tăng lên khi con người sống lâu hơn. Tuy nhiên, mức chi của Pháp cao hơn nhiều so với mức chi bình quân 20,5% GDP của 36 nước thành viên OECD.
Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - có mức chi xã hội là 19% GDP, còn Đức (nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới và lớn nhất Liên minh châu Âu), dành 25% GDP cho chi tiêu xã hội.
Theo báo cáo công bố gần đây, tính cả khoản ngân sách chi cho ngành cảnh sát và quốc phòng, tổng chi tiêu công của Pháp trong năm 2017 tương đương 56,5% GDP, đứng đầu EU.
Những con số nêu trên chắc chắn còn tăng trong thời gian tới khi Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron triển khai kế hoạch tăng lương và giảm thuế cho những người có thu nhập thấp và nghỉ hưu, dự kiến tiêu tốn khoảng 10 tỷ euro (11,5 tỷ USD).
Tháng 12/2018, ông Macron đã công bố kế hoạch này nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình "Áo vàng" kéo dài suốt thời gian qua ở Pháp. Gói biện pháp trên được cho sẽ khiến mức thâm hụt ngân sách của Pháp vượt mức tối đa 3% GDP theo quy định của EU.
Cũng theo nghiên cứu của OECD, tốp ba quốc gia có mức chi xã hội cao nhất thế giới ngoài Pháp, còn có Bỉ và Phần Lan với mức chi tiêu của mỗi nước là 30% GDP./.
TTXVN