Theo Ban Tổ chức (BTC), cuộc thi được tổ chức nhằm tăng cường sự quan tâm của các cơ quan
báo chí đối với công tác giảm nghèo, đẩy mạnh việc thông tin về chủ
trương, đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tập
trung tuyên truyền các địa phương, tập thể, cá nhân, hộ gia đình nổi bật
trong giảm nghèo bền vững, những gương điển hình, kinh nghiệm vươn lên
thoát nghèo, thực hiện tốt công tác trợ giúp cho người nghèo, phổ biến
các kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo có hiệu quả để phát huy
và nhân rộng.
Qua đó, góp phần nâng
cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể
trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình
giảm nghèo; huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người nghèo,
khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.
Đối
tượng dự thi là các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của
các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương, các cây viết không
chuyên trong toàn quốc có tác phẩm báo chí được đăng tải trên báo
chí và các phương tiện truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
phép.
Tác phẩm dự thi phải phản ánh
thực trạng, nguyên nhân nghèo đói và những giải pháp trong công tác
giảm nghèo; các quy định pháp luật và việc thực thi pháp luật về giảm
nghèo; nêu các gương điển hình, sáng kiến, mô hình giảm nghèo mới, cách
làm mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo.
Bên cạnh
đó, nêu các gương điển hình trong các phong trào thi đua “Cả nước chung
tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020
như: Hộ gia đình vượt khó vươn lên thoát nghèo; phát huy vai trò cộng
đồng, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu; tập trung hỗ
trợ địa bàn nghèo, tăng cường giảm hộ nghèo và tăng hộ khá, giàu; Đồng
thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo và công tác giảm nghèo; cán bộ
làm công tác giảm nghèo tận tuỵ - gương mẫu - trách nhiệm; đồng hành
cùng người nghèo, hướng tới một thế giới không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tác
phẩm dự thi phải chưa từng đoạt giải thưởng tại các cuộc thi
báo chí cấp quốc gia và không cùng gửi dự thi các giải thưởng
báo chí khác. Tác phẩm dự thi được đăng tải kể từ ngày 11/9 năm
trước đến hết ngày 10/9 năm sau. Lễ trao giải tổ chức vào ngày 17/10
hàng năm (từ nay đến năm 2020). Gala tổng kết, trao giải cuộc thi sẽ tổ
chức vào tháng 10/2020.
Phát biểu khai mạc lễ phát
động, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các
Chương trình mục tiêu quốc gia cho biết: Những năm qua, Việt Nam đã đạt
được những thành tựu trong công tác giảm nghèo, góp phần quan trọng thực
hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện
đời sống của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào
dân tộc thiểu số. Liên Hợp Quốc đánh giá là một điểm sáng trong thực
hiện mục tiêu giảm nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% vào
cuối năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015, bình quân giảm
2%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo có mức giảm bình quân
lớn 6%/năm, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện này từ
58,33% xuống còn 28%.
Năm 2016, là năm đầu tiên
Việt Nam thực hiện giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn
nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Ước tính đến
cuối năm 2016, tỷ lệ nghèo cả nước còn 8,58 - 8,38%, giảm khoảng
1,3-1,5% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn
46,43%, giảm 4%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Để thực
hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tiếp
tục tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo,
thôn bản đặc biệt khó khăn thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững với tổng nguồn lực đầu tư cho chương trình là 41.449 tỷ
đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 29.698 tỷ đồng, vốn sự nghiệp
11.751 tỷ đồng, cùng với đó là các nguồn vốn huy động từ cộng đồng xã
hội để thực hiện chương trình.
Chương trình sẽ tập
trung vào những giải pháp, cách làm mới nhằm phát huy nội lực, ý thức
trách nhiệm của chính bản thân người nghèo, địa bàn nghèo thông qua đẩy
mạnh, tăng cường phân cấp cho cơ sở, trao quyền cho cộng đồng, người
dân; ban hành cơ chế đặc thù rút gọn trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ
tầng,… Người nghèo, cộng đồng nghèo sẽ là chủ thể chính của Chương trình
giảm nghèo.
“Cuộc thi các tác phẩm báo chí về
công tác giảm nghèo nhằm tăng cường sự quan tâm của các cơ quan báo chí,
tạo đồng thuận xã hội đối với công tác giảm nghèo, đẩy mạnh việc thông
tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm
nghèo; Tập trung tuyên truyền gương điển hình vươn lên thoát nghèo,
thực hiện tốt công tác trợ giúp cho người nghèo, phổ biến các kinh
nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả để phát huy và nhân
rộng…”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị.
Theo Bộ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Công tác giảm
nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong chương
trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, là một trong
những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ LĐTBXH, Hội Nhà báo Việt Nam tổ
chức cuộc thi, nhằm mục đích: Tuyên truyền các chủ trương, đường lối
của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo;
Thông tin, tuyên truyền về các gương điển hình, sáng kiến, mô hình giảm
nghèo mới, cách làm mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo.
Thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo
sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó
khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị
và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cơ hội để đối tượng này có việc làm có thu nhập ổn định; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho đối tượng nghèonhằm hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
"Với mục đích như trên, tôi trân trọng đề nghị: Các
cơ quan thông tấn báo chí, nhóm tác giả, các nhà báo và bạn đọc hãy
sáng tác những tác phẩm phù hợp với thể lệ cuộc thi và gửi các tác phẩm
về Ban Tổ chức, để Ban Tổ chức lựa chọn những tác phẩm có chất lượng
chấm và trao giải.
Chúng ta hãy thực hiện thông điệp “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hãy sáng tác những tác phẩm báo chí chất lượng tuyên truyền góp
phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững
an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân,
củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới, đặc
biệt quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với mọi người dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
TG