Chủ Nhật, 22/9/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 22/11/2012 10:38'(GMT+7)

Phật giáo Việt Nam vận động tín đồ chấp hành pháp luật

Trong nhân gian thường nói: “Sư chùa như bùa của làng” đó là sự triết lý dân giả của cộng đồng nhưng qua đó cho chúng ta thấy vai trò điều hành, hướng dẫn tu tập, giữ gìn Tam bảo, hoằng trì Phật pháp của các vị Tăng, Ni không chỉ mang tính chất tín ngưỡng mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, ảnh hưởng đến cộng đồng. Phật giáo Việt Nam có truyền thống “hộ quốc, an dân” từ lâu đời. Phát huy truyền thống đó, trong những năm qua, với tư cách là thành viên của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Tháp luôn tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và Chính quyền phát động nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã vận động Tăng, Ni và đồng bào Phật tử tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện xã hội, hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” mang lại kết quả thiết thực, riêng hoạt động từ thiện xã hội quy thành tiền tổng trị giá hàng năm khoảng 5 tỷ đồng.

Với tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác” của Đức Phật dạy, nhiều cơ sở tự viện thông qua các buổi giảng đạo, thuyết pháp nhân các đạo tràng đã hướng dẫn Phật tử sống tri túc và có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, ứng xử với nhau trên tinh thần Từ - Bi - Hỷ - Xả, làm tròn bổn phận của Phật tử với đạo pháp và nghĩa vụ công dân với đất nước; công tác tuyên truyền, vận động cần phải thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, nhưng đòi hỏi có sự vận dụng linh hoạt, khéo léo thông qua công tác phối hợp chặt chẽ với Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Chẳng hạn như: Trước những vấn đề vượt quá khả năng của các chức sắc, hoặc chưa nắm rõ thì mời cán bộ Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đến tham gia, phát biểu. Vì quan điểm đúng đắn trước việc đánh giá một sự việc, một vấn đề của cán bộ nhà nước hay của chức sắc tôn giáo sẽ có ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc trong cộng đồng tín đồ của từng tôn giáo. Để tác động tín đồ, Phật tử chấp hành pháp luật thông qua các vị Tăng, Ni, điều tiên quyết là đòi hỏi tính gương mẫu của từng vị chức sắc. Vì nếu, vị chức sắc tôn giáo chưa tiêu biểu, chỉ cần có những biểu hiện dù chỉ là sơ sót nhỏ trong hoạt động tôn giáo như việc tổ chức lễ trọng, trùng tu, sửa chữa, xây dựng, cơi nới nơi thờ tự hay các mối quan hệ công dân khác chưa đúng theo quy định của pháp luật thì người chức sắc ấy sẽ vừa ngại ngần và rất khó khăn trong vận động tín đồ chấp hành pháp luật. Mặt khác, vị chức sắc ấy có vận động, giáo dục, thuyết phục tín đồ chấp hành và tôn trọng pháp luật thì tác dụng cũng sẽ thật là khiêm tốn, rất ít người tin và ít người nghe theo; trong mọi hoạt động của mình, mỗi vị chức sắc cần hướng dẫn cho tín đồ nhận thức các hiện tượng xã hội, các mối quan hệ xã hội một cách đúng, khách quan để từ đó người tín đồ hiểu đúng và xem việc chấp hành pháp luật như là một chuẩn mực về đạo đức xã hội, là trách nhiệm và là nhân cách của mỗi cá nhân, mỗi chủ thể trước cộng đồng.

Ngày nay, đất nước ta đang xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, nên trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội đều từng bước được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật, do đó, những kiến thức về pháp luật là vô cùng rộng lớn và luôn biến đổi không ngừng cho kịp với sự tiến bộ của xã hội, nên chức sắc các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo càng khó nắm bắt kịp thời, cho nên rất cần việc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, trao đổi hàng năm thông qua các hình thức tổ chức quán triệt, phổ biến, sinh hoạt… của Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc địa phương đến chức sắc tôn giáo về những vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, đến dân sinh, dân chủ để chức sắc biết cơ bản mà có nhận thức đúng. Cụ thể và thiết thực nhất là thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh vừa qua là rất bổ ích.

Trong lĩnh vực từ thiện xã hội, hàng năm, các chức sắc và đồng bào các tôn giáo đều được biểu dương, khen thưởng, động viên, khích lệ. Vậy thì, trên lĩnh vực vận động tín đồ các tôn giáo chấp hành pháp luật cũng cần có hình thức tôn vinh, biểu dương hoặc suy tôn phù hợp việc tổ chức thực hiện các mô hình: Họ đạo không có người vi phạm pháp luật; cơ sở thờ tự an toàn, tiêu biểu chấp hành pháp luật; chức sắc tích cực vận động tín đồ chấp hành pháp luật…

Hàng năm, Chính quyền và Mặt trận có thống kê tình hình chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực của các tổ chức tôn giáo ở cơ sở và đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tín đồ các tôn giáo chấp hành pháp luật; công tác giáo dục, động viên các tín đồ tôn giáo chấp hành pháp luật cần được kết hợp chặt chẽ trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và các chương trình khác có liên quan. Có như vậy mới tạo nên sự đồng bộ trong vận động giữa đạo và đời và hiệu quả sẽ tốt hơn.

Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp đồng hành cùng các tôn giáo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh và truyền thống tốt đẹp của các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, từ đó giúp cho quần chúng xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về tôn giáo, đồng thời vạch trần hành vi của những người lợi dụng danh nghĩa tôn giáo làm trái pháp luật, góp phần tích cực vào phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, xây dựng xã hội “tốt đời, đẹp đạo”.

Trần Thắng
(UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất