Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Cress (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã xác định được quần thể Mang Muntiacus rooseveltorum thuộc họ hươu nai (Cervidae) được coi là đã tuyệt chủng cách đây 84 năm, có khoảng 30 cá thể.
Để xác định được số cá thể Mang trên trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp đặt bẫy ảnh tại khu vực mà loài móng guốc hươu nai này thường xuất hiện và tại các điểm gần sông, suối. Sau thời gian theo dõi, các nhà khoa học xác định chỉ còn khoảng 30 cá thể Mang Muntiacus rooseveltorum.
Việc xác định được số lượng cá thể Mang này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, nhân giống, lưu trữ nguồn gen của loài Mang quý hiếm từng được coi là đã bị tuyệt chủng. Hiện lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đang đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân sống trong khu vực về việc bảo vệ loài Mang quý hiếm này. Trước đó, một số hộ dân do không biết đã săn bắt loài Mang quý hiếm này.
Từ năm 2012-14, Trung tâm Cress phối hợp với cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thực hiện dự án “Điều tra, bảo tồn các loài Mang tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên”. Trong quá trình điều tra, đoàn chuyên gia đã chụp được ảnh của loài Mang này trên địa bàn Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và phát hiện được mẫu phân của loài Mang này trong rừng. Ngoài ra, đoàn chuyên gia cũng tìm thấy mẫu sừng và da của loài Mang này trong nhà dân săn bắn được.
Qua xét nghiệm AND tại Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) từ mẫu phân và mẫu da của loài Mang kể trên và đem so sánh với mẫu AND của loài Mang được coi là đã tuyệt chủng cách đây 84 năm đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ thì xác định các mẫu AND hoàn toàn trùng khớp với nhau và khẳng định đây chính là loài Mang Muntiacus rooseveltorum được coi là đã tuyệt chủng cách đây 84 năm, nay đã xuất hiện trở lại./.
TTXVN