Tạp chí Khoa học của Anh ngày 28/7 cho biết các nhà khoa học nước này cùng với các đồng nghiệp Thụy Sĩ đã phát hiện ra một "siêu kháng thể" có thể chống lại mọi chủng virus cúm A gây bệnh ở người và động vật, mở ra triển vọng bào chế một loại vắcxin phòng cúm chung trên toàn cầu.
Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp dùng tia X để kiểm tra một khối lượng lớn các tế bào huyết tương ở người. Khi xác định được kháng thể hiếm F16, họ tiêm kháng thể này vào chuột và chồn. Kết quả cho thấy kháng thể F16 giúp chuột và chồn tránh được nguy cơ lây nhiễm các chủng virus cúm A thuộc cả nhóm 1 và nhóm 2.
Ông Antonio Lanzavecchia, trưởng nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ tham gia công trình nói trên cho biết F16 là loại kháng thể đầu tiên có thể chống lại mọi chủng virus cúm A được biết đến từ trước đến nay, vì thế sẽ là sự lựa chọn mới cho việc phòng cúm. Khi con người nhiễm virus cúm A, các kháng thể sẽ tấn công protein gây đông máu trong virus. Tuy nhiên, protein này tiến hóa nhanh, khiến virus cúm A biến thể thành 16 loại khác nhau, được phân loại thành 2 nhóm.
Tình trạng này buộc các hãng dược phải thay đổi công thức hàng năm để tìm ra vắcxin hiệu quả cho mỗi chủng virus, một quá trình tốn kém tiền của và thời gian. Các nghiên cứu trước đây chỉ tìm ra các kháng thể có tác dụng đối với các chủng virus cúm A thuộc nhóm 1, hoặc hầu hết các chủng thuộc nhóm 2 chứ không phải cả hai nhóm./.
(Theo TTXVN)